Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận phối hợp các công ty lữ hành và các đơn vị truyền thông thực hiện chương trình khảo sát sản phẩm du lịch mới và hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh về rừng - thác - hồ tại địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh.
Điểm du lịch sinh thái tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Đoàn đã đến khảo sát tại Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, diện tích hơn 10 ha nằm trong rừng Sa Lôn (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc). Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích như: Nhà làm việc, hội trường, hầm trú ẩn của các đồng chí lãnh đạo, nhà làm việc của các cơ quan, đơn vị tham mưu, phục vụ, bếp Hoàng Cầm… Đưa vào hoạt động vào tháng 2/2023, đến nay, Khu Di tích đón hơn 15.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, đoàn đã khảo sát các điểm du lịch như: Hồ Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); Vườn hoa La Ngâu, Khu Du lịch La Ngâu Rock Stream, Khu Du lịch sinh thái Thác Bà (huyện Tánh Linh).
Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận, du lịch hướng về thiên nhiên, du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường hiện nay là một xu hướng được nhiều đối tượng khách yêu thích và chọn lựa. Sản phẩm du lịch này còn rất phù hợp với giới trẻ, những người thích khám phá điểm đến mới lạ. Do vậy, việc tổ chức khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch xanh tại các địa phương có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác vừa thúc đẩy du lịch các huyện vùng cao phát triển, vừa tạo nên những tour du lịch độc đáo hấp dẫn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Hoạt động này góp phần phục hồi hoạt động ngành Du lịch, hướng đến phát triển du lịch Bình Thuận xanh và bền vững.
Điểm du lịch sinh thái tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Chị Phan Thị Phong, Điều hành tour của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Truyền thông Bình Thuận cho biết: Đợt khảo sát này, chị thấy chương trình hấp dẫn và thú vị, tìm hiểu nét đẹp, độc đáo tại những vùng đất mới. Đây sẽ những điểm đến sẽ thu hút đông đảo du khách nếu được đưa vào khai thác. Qua đợt khảo sát, Công ty sẽ nghiên cứu tạo ra các tour, tuyến du lịch theo hướng rừng - thác - hồ cho nhiều đối tượng khách, nhất là trong dịp kỳ nghỉ hè và đối với các gia đình có nhiều em nhỏ thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên.
Theo anh Ngô Ngân Quốc Bảo, Trưởng Văn phòng đại diện Tạp chí Du Lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch xanh trải nghiệm của Bình Thuận rất có nhiều tiềm năng, phù hợp với giới trẻ và xu hướng du lịch hiện nay. Du khách có thể trải nghiệm được cái mới, độc đáo về cảnh quan rừng núi của Bình Thuận. Bên cạnh đó, việc liên kết tour, tuyến và các điểm đến rất cần thiết hiện nay. Việc liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh, không những làm mới cho bộ mặt du lịch Bình Thuận, mà còn liên kết thế mạnh từng vùng trong tỉnh để du lịch ngày càng phát triển.
Ngày nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Vì vậy, xu hướng du lịch tìm về những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp được với xu hướng đó trong việc phát triển du lịch xanh.
Ông Nguyễn Linh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận cho biết: Du lịch biển vẫn luôn là thế mạnh của Bình Thuận. Do đó, để đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cảm giác mới lạ về du lịch trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Trung tâm thực hiện chuyến khảo sát điểm đến tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch để mời gọi khách du lịch theo hướng rừng - hồ - thác gắn với du lịch xanh. Các điểm đến như: Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, Hồ Hàm Thuận - Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc), Khu Du lịch sinh thái Thác Bà… có rất nhiều tiềm năng tạo ra sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách, gắn với phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường.
Đoàn khảo sát tìm hiểu nơi làm việc của Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Theo ông Nguyễn Linh Vũ, qua khảo sát, các công ty lữ hành sẽ xây dựng các tour du lịch phù hợp với từng nhu cầu của du khách, đặc biệt là du khách thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên. Để phát triển sản phẩm du lịch mới một cách bền vững và thu hút được du khách, các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn như cấm trại ngoài trời, tour khám phá thiên nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch về rừng núi…
Tiềm năng rừng - hồ - thác của Bình Thuận đã được nhiều chuyên gia về du lịch đánh giá rất độc đáo, kỳ vĩ và hấp dẫn. Bên cạnh đó, giao thông tại các điểm tham quan tương đối thuận lợi, chắc chắn khi được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, sản phẩm du lịch khám phá và trải nghiệm du lịch xanh, du lịch mạo hiểm rừng - hồ - thác tại Bình Thuận sẽ thu hút sự quan tâm không những của du khách trong và ngoài nước mà còn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lĩnh vực du lịch.
Du khách trải nghiệm ngủ lều ngoài trời và đốt lửa trại tại Khu du lịch sinh thái Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Hiện nay, các cấp ngành trong tỉnh Bình Thuận đang cùng chung tay tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, trong đó có định hướng đa dạng sản phẩm du lịch và tạo ra sản phẩm du lịch xanh, phát triển bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ giải pháp của các đơn vị, du lịch Bình Thuận tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã đón 2,9 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm 2022), doanh thu ước đạt trên 7.260 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so cùng kỳ năm trước).
Nguyễn Thanh