Vụ mùa trái cây bắt đầu cũng là lúc nhà vườn ở Tây Ninh tất bật chuẩn bị để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại vườn.
Du khách tìm đến nhà vườn để vừa trải nghiệm, vừa thưởng thức trái cây tại vườn.
“Thủ phủ” sầu riêng ở Tây Ninh
Bàu Đồn được ví như “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Tây Ninh với hơn 1.000 ha. Hơn 1 tuần nay, các vườn sầu riêng ở xã Bàu Đồn nhộn nhịp thương lái đến mua sầu riêng và du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức trái cây ngay tại vườn.
Trung bình mỗi ngày, vườn sầu riêng Ri6 gần 20 năm tuổi của anh Lương Văn Hùng (52 tuổi, ấp 7, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu) đón khoảng 10 lượt khách từ khắp nơi đổ về tham quan.
Tự tay tách trái sầu riêng, thưởng thức từng múi sầu chín vàng ươm, thơm lừng, ngọt lịm, chị Trang Thị Thơ (43 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành) khoe: “Đây là lần đầu tiên tôi tham quan vườn sầu riêng. Vừa được chạm vào những gốc sầu riêng cổ thụ, chụp hình, check-in, vừa thưởng thức sầu riêng Ri6 chín rụng tại vườn thật tuyệt vời!”.
Anh Hùng cho biết, từ khi nông dân liên kết với Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt OCOP 4 sao, nơi đây được nhiều người biết đến. “Vào dịp cuối tuần, khách đến đây rất đông. Họ tham quan, chụp ảnh vườn, thưởng thức sầu riêng chín tại chỗ. Với hơn 40 gốc sầu riêng trên diện tích 5.000m2, tôi bán được trên 500 triệu đồng”- anh Hùng nói.
Năm nay, vườn sầu riêng của ông Đặng Văn Quang (62 tuổi, ấp 7, xã Bàu Đồn) ước tính thu hoạch khoảng 25 tấn. Với giá mua tại vườn là 52.000- 55.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, ông Quang thu về hơn 1 tỷ đồng.
“Sầu riêng luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Chúng tôi vừa bán cho thương lái, vừa mở cửa đón khách tham quan từ đầu tháng 5, không thu phí. Tuy nhiên, du khách đến vườn sầu riêng phải cẩn thận, không nên tập trung dưới gốc cây vì nguy hiểm tới tính mạng”- ông Quang bày tỏ.
Chị Trang Anh Thơ (bên trái, ngụ Thị xã Hoà Thành) cùng bạn thích thú khi được tự tay hái măng cụt chín.
Nhà vườn kết hợp du lịch
Ngoài “thủ phủ” sầu riêng Bàu Đồn, các nhà vườn trồng măng cụt, dâu da, chôm chôm ở Chà Là, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), Trường Đông, Trường Hoà (thị xã Hoà Thành)... đang thu hút khá đông du khách.
“Một trong những đột phá của tỉnh là phát triển du lịch, trong đó mô hình du lịch nông nghiệp ngày càng được chú trọng, phát triển vì đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm tại vườn. Người dân đã nhạy bén nắm bắt cơ hội này. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có những chỉ đạo sâu sát khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch Tây Ninh, trong đó có du lịch nông nghiệp.
Chúng ta đang có những mô hình như trồng cây dược liệu, tham quan vườn cây, xưởng chế biến và bán sản phẩm dược liệu, như trà Hoàn Ngọc, trà Tâm Lan; hay lập vườn nho, vườn dưa lưới, cà chua Nova, trang trại chăn nuôi bò sữa... thu hút khách đến tham quan. Tuy nhiên, du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp cần được thụ hưởng những tiện ích như đô thị, đặc biệt là nhà vệ sinh, đường giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đảm bảo...”. - Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đến tham quan vườn măng cụt ở Chà Là, tự tay hái những trái chín sẫm màu trên cây, chị Phương Anh (43 tuổi, phường 1, TP. Tây Ninh) thích thú chia sẻ: “Tôi dắt con trai 6 tuổi đến đây vừa tham quan, trải nghiệm, vừa dạy cho con hiểu quá trình trồng và chăm sóc cây ăn trái, tận tay hái trái cây chín. Do chủ vườn trồng theo hướng hữu cơ sinh học nên mua về ăn tôi cũng yên tâm”.
Chị Trần Thị Diệu Hiền (31 tuổi) cho biết, từ đầu mùa tới nay, vườn măng cụt, sầu riêng của gia đình đã hái 7- 8 đợt trái chín, mỗi đợt hơn 100kg. “Vườn nhà trồng hơn 10 năm, chỉ khoảng 30 gốc thôi, trung bình thu hoạch hơn 1,5 tấn trái/vụ. Vào mùa trái cây chín rộ, khách đến tham quan khá đông, đa số khách thích tự tay hái trái chín. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư mở lối đi vào vườn khang trang hơn để đón khách”.
Du khách chụp ảnh bên gốc sầu riêng “cổ thụ”.
Tại vườn dâu Minh Nhựt (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành), ngoài các loại trái cây sẵn có như sầu riêng, dâu da, chủ vườn còn liên kết với các nhà vườn xung quanh cung cấp thêm mận, chôm chôm, măng cụt để đa dạng sản phẩm phục vụ khách.
Trung bình mỗi ngày, vườn đón từ 30-50 lượt khách đến tham quan. Ông Đoàn Châu Minh- chủ vườn cho biết: “Dự đoán khách đến vườn tăng vào dịp Tết Đoan ngọ sắp tới (mùng 5 tháng 5 âm lịch), chúng tôi đã liên kết với nhiều nhà vườn lân cận để phục vụ khách, hiện tại nhà vườn không đủ trái cây để cung cấp”.
Ngoài các loại trái cây sẵn có, để bảo đảm sự mới lạ, nhiều nhà vườn còn thiết kế, xây dựng tiểu cảnh đẹp mắt và cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn nhằm thu hút du khách, nhất là dịch vụ ăn uống, vui chơi cho khách đến tham quan vào dịp Tết Đoan ngọ sắp tới.
Tâm Giang