Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Hiện tỉnh đang đề ra những cơ chế, chính sách hấp dẫn để kêu gọi đầu tư vào nhiều dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn.
Du khách trải nghiệm các hoạt động tại Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nho Kiên
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, tỉnh có nhiều tiềm năng về sông, hồ, thác, rừng để phát triển du lịch sinh thái. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã quy hoạch hàng chục dự án du lịch lớn, nhỏ để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay có rất ít dự án du lịch hoàn thành để đưa vào khai thác… Nguyên nhân là do một số vướng mắc liên quan đến quy định trong Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư…
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Đồng Nai đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục để các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch. Trong đó, tỉnh tập trung vào các dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi, Khu du lịch Thác Ba Giọt, Đá Ba Chồng (huyện Định Quán), hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), hồ Núi Le, Gia Ui, núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc), hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom), Thác Reo (huyện Thống Nhất)…
Mới đây nhất, Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán) giai đoạn 2021-2030 đã được hoàn thiện và ban hành tháng 3-2023 vừa qua. Dự kiến trong tháng 6-2023, Đề án phát triển du lịch sinh thái của Khu bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) cũng sẽ được thông qua.
Từ phía địa phương, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, huyện là một trong những địa bàn được xác định có tiềm năng phát triển du lịch như: Núi Chứa Chan, hồ Núi Le… vốn đã rất nổi tiếng. Do đó, huyện Xuân Lộc xác định, du lịch sẽ là một trong những giải pháp đột phá để phát triển địa phương. Để phát huy những lợi thế trên, huyện đang hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững để trình UBND tỉnh, các sở, ngành thẩm định, góp ý và thông qua.
“Khi phương án quản lý rừng bền vững được ban hành, huyện sẽ mời gọi nhà đầu tư vào khai thác du lịch địa phương, đặc biệt là địa danh núi Chứa Chan - được coi là điểm du lịch hành hương. Thời gian tới, khi các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được hoàn thiện, huyện sẽ là trung tâm kết nối, tạo điều kiện rất nhiều cho du khách tham quan”, bà Nguyễn Thị Cát Tiên cho hay.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sĩ cho biết, hiện nay, Đồng Nai đang tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng, gồm: Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và Long Thành. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện một loạt các đề án, dự án như: Xây dựng bổ sung dự án khẩn cấp bảo tồn voi; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng tại Đồng Nai…
“Để thực hiện kế hoạch trên, tỉnh sẽ đầu tư hơn 2.206 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh hơn 1.061 tỷ đồng, còn lại từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và huy động các nhà đầu tư”, ông Cao Tiến Sĩ thông tin.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, thời gian tới, cùng với tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm các mô hình du lịch như: Du lịch sinh thái vườn, du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm… theo hướng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân nhưng vẫn bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là nỗ lực thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái thành một trong những thế mạnh theo chủ trương của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
Thanh Tàu - Vân Sơn