Con đường nối biển và hoa

Cập nhật: 25/08/2009
Ðường 723 là tên gọi của con đường quốc lộ nối thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa với thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng. Ðường 723 nối đoạn cuối của quốc lộ 20 với phần quốc lộ 1 đi qua Khánh Hòa, liên thông vùng biển miền trung với cao nguyên Lâm Ðồng, nên được mệnh danh là "con đường nối biển và hoa". Nếu được đi qua đây một lần hẳn du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều kỳ thú.

Tỉnh lộ 723 dài 138 km, khi hoàn thành sẽ rút ngắn gần 80 km so với lộ trình hiện nay đi qua quốc lộ 27. Ðoạn qua đèo Hòn Giao cao 1.700m, dài 33 km là đèo dài nhất Việt Nam hiện nay. Con đường mới sẽ khởi đầu từ khu Thái Phiên, một vùng trồng rau hoa yên bình ở ngoại ô Ðà Lạt, theo hướng Bắc, nơi có dãy núi cao nhất cao nguyên Lang Bian: dãy Bidoup.

Ði trên con đường này du khách sẽ thấy nhiều điều kỳ thú. Dấu ấn đầu tiên trong mắt du khách chính là sự hùng vĩ của cảnh vật và núi non ven đường. Ðường đi qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, vượt qua nhiều vách đá cheo leo với suối, đèo và những thác nước điệp trùng. Phóng xa tầm mắt du khách được đi trong bức tranh vĩ đại của thiên nhiên về những cánh rừng thông xanh thẫm với cảm giác là lạ như ta đang đi trong một chốn nào đó ở châu Âu. Con đường cứ thế đâm xuyên qua những lớp lớp đồi núi thấp cỏ xanh mượt, với những bản làng mộc mạc, nhỏ bé của người Cil, K'Ho bản địa rồi băng qua những trang trại trồng hoa mang dáng dấp nền nông nghiệp hiện đại phương Tây. Dọc ven đường du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng những thác nước và những dòng suối chảy từ trên các cánh rừng tạo thành những âm thanh róc rách nghe như tiếng hát của rừng xanh. Tuyến đường này còn đi ngang qua Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - vườn quốc gia có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất tại Việt Nam. Ðây là nơi duy nhất trên thế giới được xác định còn lại loài cổ thực vật: thông hai lá dẹt (tên khoa học Pinus krempfii, xuất hiện cùng thời với khủng long). Du khách sẽ được ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh cùng với nhiều thảm thực vật. Dọc lộ hành trình du khách sẽ lên đến nơi cao nhất trên toàn bộ tuyến đường là đỉnh Hòn Giao có độ cao 1.700m. Ðây cũng là nơi đặt cột mốc phân định danh giới hai tỉnh Lâm Ðồng và Khánh Hòa. Ðứng trên đỉnh Hòn Giao du khách sẽ được ngắm nhìn những làn sương mờ xa xa như những dòng sông sương. Quanh năm sương mù đặc quánh như muốn níu chân lữ khách. Du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi được tắm mình trong làn sương mờ mờ ảo ảo. Ở đây mỗi sáng ra, đến tám giờ mù sương vẫn còn bao phủ. Và chiều lại, khoảng ba, bốn giờ chiều trở đi, những "thung lũng mù sương" phiêu bạt đó lại sà xuống con đường.

Trong tương lai đây là sẽ là tuyến đường quan trọng và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lâm Ðồng và Khánh Hòa. Ngoài ra tuyến đường này còn thu hút nhiều du khách đến với vùng Cao nguyên. Ðó là sẽ là điều kiện thuận lợi để phát huy những tiềm năng du lịch của vùng cao nguyên - vùng biển nói chung và Khánh Hòa - Lâm Ðồng nói riêng.

Nguồn: Nhân Dân