Trong vòng vài năm trở lại đây, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng, du lịch xanh. Dù bước đầu còn khó khăn với kế hoạch dài hơi, nhưng đó là tín hiệu cho thấy, địa phương này đã chọn hướng đi đúng, hướng tới mục tiêu du lịch bền vững để cả cộng đồng đều được hưởng lợi...
Huyện miền núi Hướng Hóa bảng lảng trong sương sớm, thơ mộng, hữu tình như một bức tranh thủy mặc làm say lòng du khách. Ảnh: Nguyễn Bôn
Khi tôi đang loay hoay tìm tài liệu để viết về những khởi sắc của du lịch Hướng Hóa trong những năm qua, chị Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hướng Hóa đã thông báo với tôi về kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương này. Chị “khoe” trước đó, trung tuần tháng 9/2022, huyện Hướng Hóa cũng chủ trì tổ chức hội thảo về phát triển du lịch. Đó là những cơ sở để tập hợp những kế sách xây dựng ngành công nghiệp không khói tại nơi này.
Chị Huyền cho biết, cuộc hội thảo lần trước đã gây một tiếng vang khi lần đầu tiên chính quyền, các đơn vị liên quan lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những cơ sở du lịch, những người sắp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đồng thời qua đó, những chuyên gia trong ngành cũng đã hiến kế để những cơ sở này đi đúng hướng, hoàn thiện quy trình phục vụ du khách cũng như xây dựng cơ bản. Nhắc đến du lịch Quảng Trị, không thể không kể đến Hướng Hóa. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (khí hậu mát mẻ, nhiều thác nước, sông suối, rừng bảo tồn, rừng cộng đồng) và tài nguyên nhân văn (hệ thống di tích lịch sử văn hóa, bản sắc văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô).
Với vốn liếng đó, thời gian qua, bằng nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện Hướng Hóa đã xác định vị trí của mình trên bản đồ du lịch của khu vực. Đó là phát triển du lịch cộng đồng và du lịch xanh để hướng tới một nền du lịch bền vững. Để làm được điều này, huyện rất cần những bàn tay chuyên nghiệp của các chuyên gia, cần có kịch bản và nhiệt huyết để đánh thức tiềm năng vừa giữ được các giá trị văn hóa, sinh học, hệ sinh thái nguyên vẹn; vừa thỏa mãn được các nhu cầu về thẩm mỹ, kinh tế, xã hội của con người.
Suối Tà Đù - địa điểm du lịch lý tưởng của du khách gần xa để giải nhiệt trong mùa hè nóng nực khi tới Hướng Hóa. Ảnh: Nguyễn Bôn
Bằng chứng cho điều đó là vừa qua, cánh rừng thôn Chênh Vênh ở xã Hướng Phùng đã được Hội đồng Quản trị rừng thế giới (Forest Stewardship Council - FSC), một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu có trụ sở tại Đức, cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (một chứng chỉ có 10 bộ nguyên tắc với gần 200 nguyên tắc và tiêu chí) cho cánh rừng này. Và tự hào thay, cánh rừng thôn Chênh Vênh trở thành cánh rừng do cộng đồng bảo vệ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ.
Cánh rừng này nằm dưới chân đèo Sa Mù, bên cạnh suối Chênh Vênh. Cư dân sống ở đây chủ yếu là người Vân Kiều. Cả trăm năm qua, họ đã bảo vệ rừng như bảo vệ báu vật của làng. Hiện, Ban quản lý rừng được thành lập bởi những người trong thôn Chênh Vênh. Chia làm 7 tổ, mỗi tổ 5 người giám sát, bảo vệ 600ha rừng. Với nguyên tắc chỉ khai thác các loại mây tre, thảo dược chứ không đụng đến cây gỗ đã bảo toàn được rừng phát triển bền vững cho đến ngày nay.
Xác định rừng cộng đồng Chênh Vênh là viên ngọc sáng trong việc khai thác du lịch cộng đồng, du lịch xanh, tháng 4/2022, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị và UBND huyện Hướng Hóa đã khai trương tour du lịch sinh thái khám phá rừng cộng đồng. Tour kết hợp tìm hiểu đời sống người dân tộc thiểu số Vân Kiều và khám phá thắng cảnh thiên nhiên thác Chênh Vênh và rừng tre trúc, rừng tự nhiên nguyên sinh do chính người dân bản Chênh Vênh bảo vệ.
Tại cụm dân cư Rờ Vê ngay sát đường Hồ Chí Minh, đằng sau là suối Chênh Vênh thơ mộng, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã tài trợ xây dựng một số nhà sàn truyền thống để phục vụ du khách. Nơi này có bãi cỏ rộng để thuận tiện tổ chức các sự kiện du lịch của huyện. Cùng với đó, du khách có thể cắm trại qua đêm ở dọc bờ suối hay chính trên bãi cỏ ngay giữa thôn này. Từ đây, du khách có thể di chuyển lên đồi Sa Mươi để ngắm cảnh, xa hơn có thể lên đỉnh Sa Mù ngắm mây; tham quan vườn ươm của Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ ở đỉnh đèo. Du khách có thể thưởng ngoạn con đường hoa dã quỳ, đồi cỏ lau mỗi khi trời vào đông; đi đỉnh Cu Vơ (Hướng Linh) ngắm cánh đồng điện gió và lòng hồ Rào Quán hoặc ở lại tìm chút tĩnh lặng ở Bungalow 5 mùa ở thôn Xa Ry.
Lễ hội mừng lúa mới vừa diễn ra tại cụm dân cư Rờ Vê, bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Ảnh: Yên Mã Sơn
Để đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa bản địa, tại cụm dân cư Rờ Vê, huyện Hướng Hóa đã tổ chức thí điểm các phiên chợ cuối tuần. Đó là những phiên chợ do người đồng bào Vân Kiều ở các xã lân cận đưa nông sản, đặc sản địa phương đến trao đổi, mua bán. Du khách có thể thưởng thức ẩm thực địa phương, cùng người dân đi tham quan rừng cộng đồng. Cũng tại nơi này, huyện Hướng Hóa cũng đã tổ chức lễ mừng lúa mới của đồng bào vào các dịp mùa vụ. Đơn vị du lịch, người dân địa phương và cộng đồng cùng hưởng lợi khi thực hiện đồng bộ những dịch vụ đó, biến người dân thành chủ thể của chuỗi du lịch, từ đó tạo kế sinh nhai lâu dài, bền vững.
Thời gian này, ngày cuối tuần, những người bạn dưới xuôi thường phàn nàn bởi các bungalow, homestay ở Hướng Hóa lúc nào cũng kín lịch, phải đặt trước vài tuần mới có phòng. Điều đó cho thấy nhu cầu hưởng thụ du lịch khám phá thiên nhiên vẫn đang còn tiềm năng.
Theo ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tiềm năng, lợi thế về du lịch Hướng Hóa có thể nói nổi trội hơn các địa phương khác của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua, huyện Hướng Hóa đã xác định lợi thế, tiềm năng đó, với mục tiêu hướng đến một nền du lịch xanh, cả doanh nghiệp và cộng đồng đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, để có một “cú hích”, rất cần những doanh nghiệp lớn đủ tầm, toàn tâm thực hiện những dự án nổi trội để tạo hiệu ứng, kéo các cơ sở vừa, nhỏ vào đầu tư. Phải làm sao để tạo một chuỗi giá trị, một quy trình đồng bộ để du khách thỏa mãn tối đa nhu cầu, để Hướng Hóa trở thành một điểm đến của du lịch xanh, du lịch cộng đồng trên bản đồ du lịch miền Trung.
Yên Mã Sơn