Du lịch miền Tây chuẩn bị xuất hiện làng bè sắc màu trên ngã ba sông, với hàng trăm chiếc bè được bao phủ bởi các khối màu, nhằm tạo điểm đến mới lạ, thu hút du khách.
Làng bè Châu Đốc hiện nay.
Dự án làng bè sắc màu được thực hiện trên ngã ba sông Châu Đốc, thuộc địa bàn thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang. 165 chiếc bè ở khu vực này sẽ được sơn thành 6 khối màu: đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Chủ đầu tư dự án là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh An Giang.
Cuối quý I-2023, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc. Trong tháng 4 và 5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã làm việc với UBND TP Châu Đốc và huyện An Phú để khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng dự án, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp du lịch, kêu gọi đầu tư kinh doanh dịch vụ trên làng bè… Qua các buổi làm việc, đa phần các hộ dân và doanh nghiệp đồng thuận cao về dự án này.
Làng nuôi cá trên bè là nét đặc trưng ở ngã ba sông Châu Đốc từ hàng chục năm qua. Các nhà bè nuôi cá kéo dài khoảng 5 km trên sông nước, tạo thành một làng nổi đầy khác lạ, do đó thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi đến với An Giang. Trên mỗi bè, các chủ bè vừa nuôi cá, vừa bố trí sinh hoạt như một ngôi nhà bình thường trên đất liền. Tuy nhiên trên thực tế, trong thời gian qua, tiềm năng du lịch của làng bè chưa được khai thác hiệu quả.
Sau khi dự án hoàn thành, làng bè sẽ trở thành một cảnh quan đặc sắc và có lẽ là duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây, du khách có cơ hội tham quan một làng nổi đầy màu sắc, tìm hiểu đời sống của người nuôi cá, trải nghiệm cho cá ăn, tham gia sinh hoạt trên bè… Ngoài ra, các chủ bè còn buôn bán đặc sản, quà lưu niệm, sản phẩm OCOP của tỉnh An Giang.
Không chỉ thế, ven hai bờ sông là làng Chăm Châu Phong và làng Chăm Đa Phước, nơi cộng đồng Chăm Islam (Hồi giáo) định cư lâu đời và đóng góp nhiều giá trị văn hóa độc đáo cho địa phương. Bởi thế, các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác kết hợp cung đường trên tham quan làng bè sông nước và tham quan các làng Chăm, thánh đường Islam, cơ sở dệt thổ cẩm, hàng quán ẩm thực Chăm…
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang họp dân để thống nhất màu sắc, làm việc với địa phương rồi sau đó thông báo đấu thầu. Nếu không có gì trở ngại, dự kiến tháng 7 năm nay sẽ bắt đầu triển khai dự án. Ở giai đoạn đầu, đơn vị sẽ vận động người dân làng bè phối hợp làm du lịch phục vụ du khách. Có thể bè cá này bán cà phê hoặc bè cá kia bán thức ăn sáng cho du khách.”
Châu Đốc trước nay được xem là “thành phố du lịch” của Tây Nam Bộ, mỗi năm đón khoảng 5 triệu lượt khách, với tâm điểm là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Tuy nhiên, không chỉ có du lịch tâm linh, Châu Đốc còn nhiều tài nguyên hấp dẫn khác. Làng bè sắc màu sau khi chỉnh trang và đi vào hoạt động sẽ mang đến một hình ảnh mới về Châu Đốc, đô thị biên giới yên bình trên sông nước.
Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, dự án làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc dự kiến thực hiện từ năm 2021, tuy nhiên do hai năm dịch bệnh 2021-2022, đến năm 2023 dự án mới tái khởi động.
Bài, ảnh: Yên Lương