(TITC) Sáng ngày 4/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì Môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023 tại thị xã Cửa Lò.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tặng cờ cho ngư dân bám biển. Ảnh: Báo Nghệ An
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2023 có chủ đề “Hành tinh đại dương – Thủy triều đang biến đổi”, nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; đổi mới, sáng tạo nhận thức toàn cầu về biển và đại dương…
Gắn với Ngày Đại dương thế giới, Bộ TNMT phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6) với chủ đề: “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” để hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh nêu rõ: Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: Báo Nghệ An
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên nhiên biển, đại dương đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, con người đang đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, rác thải nhựa,… đòi hỏi sự hợp tác, chung tay giải quyết của các quốc gia. Theo Bộ trưởng TNMT, nước ta đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. “Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời”, ông Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, những năm qua công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi cả nước chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng TNMT đã nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
Toàn cảnh Lễ phát động
Thứ nhất, là ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế. Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường.
Thứ hai, quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ven biển, tăng cường liên kết với vùng nội địa.
Thứ ba, tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, xử lý các nguồn ô nhiễm, nói không với rác thải nhựa…
Thứ tư, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu.
Thứ năm, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân.
Các đại biểu dự Lễ phát động. Ảnh: Báo Nghệ An
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức hãy trở thành hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. “Chúng ta cần phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050”, ông Khánh cho biết.
Tại Lễ phát động, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đề nghị Việt Nam cần nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế bền vững, đặc biệt thông qua việc đẩy mạnh Quy hoạch không gian biển quốc gia, để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam, khi được thực hiện hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch Điện VIII và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP 26.
Việt Nam cần tiếp tục không ngừng nỗ lực để tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Phòng chống thiên tai ASEAN, Việt Nam có thể giới thiệu các thành tựu của mình như việc trồng rừng ngập mặn, xây nhà chống lũ, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng TNMT Đặng Quốc Khánh đã tặng hàng chục suất quà cho người nghèo tại Nghệ An; Báo Người lao động đã tặng 10.000 lá cờ tổ quốc cho ngư dân của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Ban tổ chức chương trình cũng trao tặng 10 túi thuốc và cờ Tổ quốc cho ngư dân tiêu biểu của tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng các đơn vị, tổ chức chung tay làm sạch bãi biển Cửa Lò
Nghệ An là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương; có 5/22 thị xã, huyện tiếp giáp với biển, với 82 km chiều dài bờ biển và diện tích vùng biển khoảng 4.230 hải lý vuông, dân số 1.003.358 người, khoảng 29,4% dân số toàn tỉnh. Đến giữa năm 2023 được mở rộng thêm thành phố Vinh theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nghệ An có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển và trên thực tế kinh tế biển chiếm tỷ trọng rất đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; từ năm 2018, bình quân hàng năm kinh tế biển đóng góp trên 26% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, tỉnh Nghệ An đã và đang tập trung huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển như: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác các tiềm năng, vị thế về biển; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy kinh tế biển phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế; thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh; tăng cường hợp tác các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ; chủ động xúc tiến và thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với các tỉnh, thành phố có nhiều điểm tương đồng với Nghệ An và có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển,... phấn đấu xây dựng tỉnh Nghệ An có một nền khoa học, công nghệ biển hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển.
Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu đã tiến hành thu gom rác và trồng cây tại Làng chài phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
Trung tâm Thông tin du lịch