Cộng đồng liên kết chống lại biến đổi khí hậu

Cập nhật: 26/08/2009
Ngày 24/8/2009, Tổng cục Môi trường cho biết chủ đề của chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2009 là "Cộng đồng liên kết chống lại biến đổi khí hậu". Chương trình do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động vào tuần thứ ba của tháng 9 hàng năm, đến nay có hơn 120 quốc gia trên thế giới tham gia hưởng ứng, trong đó Việt Nam tham gia từ năm 1994.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Xuân Cường cho biết: ''Cộng đồng liên kết chống lại biến đổi khí hậu'' năm nay được thực hiện từ ngày 18 đến 20/9/2009. Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức. Lễ phát động quốc gia hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn vào ngày 20/9/2009.
Để chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đạt hiệu quả thiết thực trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc: Mở đợt tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học. Quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21 tháng 1 năm 2009 của ban bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41 NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, các tổ chức và địa phương cần tổ chức hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn như: tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường của ngành, địa phương, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, yêu cầu các cơ sở sản xuất phải chủ động đầu tư và vận hành thường xuyên có hiệu quả hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Đặc biệt, đối với các khu đông dân cư, làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất... vận động nhân dân tham gia làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng rừng, xây dựng trạm xử lý nước thải, chất thải rắn...
Đối với tác hại của biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe con người, đặc biệt là đối với Việt Nam, các tổ chức và địa phương cần hướng cộng đồng tự giác hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió...
 

Nguồn: VFEJ