Mùa hè là mùa cao điểm của du lịch cả nước nói chung. Đối với An Giang, đây còn là thời điểm diễn ra lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, thu hút hàng triệu lượt khách. Tuy nhiên năm 2023, trước khi mùa cao điểm bắt đầu, du lịch An Giang đã bứt phá khi đạt 50% kế hoạch năm.
Miếu Bà Chúa Xứ
Năm 2023, ngành du lịch tỉnh An Giang đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.500 tỷ đồng. Bất ngờ là sau quý I, tỉnh đã đón 4 triệu lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 50% kế hoạch năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý I đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 45% kế hoạch năm.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch
Xác định công tác quảng bá hình ảnh có vai trò quan trọng, ngành du lịch An Giang đã dành nhiều tâm huyết cho hoạt động này. Bên cạnh các phương thức xúc tiến du lịch truyền thống, tỉnh chú trọng các hình thức truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Tháng 3/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức Lễ Ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam, hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung thực hiện những sản phẩm quảng bá du lịch An Giang. Các video clip với hashtag #HelloAnGiang bắt đầu được đăng tải trên nền tảng TikTok từ đầu tháng 4, đến cuối tháng 4 đã thu hút gần 150 triệu lượt xem. Đó là con số đầy ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của công chúng dành cho An Giang.
Tháng 4/2023, các doanh nghiệp du lịch An Giang đã tham gia quảng bá du lịch tại hai sự kiện lớn là Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (Hà Nội) và Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi các đơn vị gặp gỡ du khách, trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm - dịch vụ. Qua đó, những danh lam, thắng cảnh, lễ hội, đặc sản… của An Giang được quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tham gia quảng bá hình ảnh và thông tin về du lịch An Giang tại các sự kiện du lịch lớn thường niên trên toàn quốc, đồng thời tăng cường kết nối và hợp tác phát triển du lịch với các thị trường mới như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… Song song đó, An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá du lịch và nhận được hiệu ứng tích cực.”
Có thể nói, các hoạt động xúc tiến đã góp phần quan trọng trong sự bức phá của ngành du lịch An Giang. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức và tham gia những sự kiện xúc tiến, kết nối, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
An Giang là địa phương sở hữu nhiều tài nguyên du lịch phong phú và độc đáo như núi Sam (thành phố Châu Đốc), núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), làng Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu), chợ nổi Long Xuyên (thành phố Long Xuyên)… và nhiều điểm tham quan khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có 16 công ty lữ hành và 95 cơ sở lưu trú với chất lượng dịch vụ được du khách đánh giá cao.
Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên)
Bên cạnh những sản phẩm du lịch đã nổi tiếng trước nay, An Giang luôn chú trọng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. Nếu trong năm 2022 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư đã thí điểm mô hình du lịch trekking trên núi Cấm, được nhiều du khách trẻ yêu thích, thì trong năm 2023, đơn vị này tiếp tục triển khai dự án làng bè sắc màu trên ngã ba sông Châu Đốc, hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến “hot” của An Giang.
Ngoài ra, Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) lần đầu tiên tổ chức đêm nhạc acoustic phục vụ khách lưu trú ban đêm trên núi, đồng thời chuẩn bị tổ chức Giải Chạy địa hình (Trail) Bảy Núi mở rộng lần đầu tiên. Huyện Tri Tôn tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động biểu diễn dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu đã tổ chức thường niên. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đưa vào hoạt động mô hình du lịch cắm trại ở huyên Tri Tôn như An Suối Garden, Bảy Núi Farm, Garden Camp Ô Tà Sóc, Ganesha Ô Thum…
Rừng tràm Trà Sư
Ông Phan Phạm Cảnh Toàn - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch An Giang nhận định: “Tiềm năng du lịch của An Giang là rất lớn. Để khai thác tốt tiềm năng đó, chúng tôi luôn cố gắng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, để tìm kiếm, đầu tư và khai thác các sản phẩm du lịch đa dạng, góp phần giữ vững thương hiệu du lịch An Giang.”
Trong chiến lược phát triển du lịch An Giang thời gian tới, tỉnh xác định thị trường trọng điểm cần đẩy mạnh khai thác là Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có đường bay đến Cần Thơ, đồng thời mở rộng kết nối tour tuyến sang một số địa phương liên kết như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Tháp… nhằm mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch hợp tác phát triển./.
Yên Lương