Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, việc thành lập khu bảo tồn tại rừng phòng hộ Ba Tơ sẽ góp phần hình thành một hành lang quan trọng để bảo tồn loài chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 khu vực đề xuất thành lập Khu dự trữ thiên nhiên khu Tây huyện Ba Tơ nằm trên địa bàn 4 xã: Ba Vì, Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế của huyện Ba Tơ, thuộc phạm vi của 25 tiểu khu với tổng diện tích đề xuất là 17.976,66 ha (trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.856,25ha, phân khu phục hồi sinh thái 7.893,87 ha, phân khu dịch vụ hành chính là 226,54 ha và vùng đệm là 8.389,39ha).
Các xã Ba Lế, Ba Vì, Ba Trang, Ba Nam và Ba Xa của huyện Ba Tơ có khoảng 20.000 ha rừng phòng hộ. Trong năm 2022 lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ngãi phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát hai đợt tại 8 tiểu khu ở huyện Ba Tơ. Kết quả điều tra ghi nhận 10 đàn/104 cá thể, ước tính tổng cộng 169 cá thể voọc chà vá chân xám. Theo các chuyên gia, đàn voọc chà vá chân xám ở vùng rừng Ba Tơ có thể lên đến 15-20 đàn, xếp thứ 3 tại Việt Nam.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay các khu rừng ở Ba Tơ không chỉ có voọc chà vá chân xám mà có rất nhiều động vật quý hiếm khác như: báo hoa mai, rùa vàng, rắn hổ mang chúa… Gần đây, lực lượng kiểm lâm còn phát hiện một số loài động vật hoang dã quay lại sống dưới rừng này là sơn dương, báo lửa…
Các tổ chức nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học nhận định, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn Chà vá chân xám sinh sống ở đây. Các kết quả nghiên cứu trước đó còn cho thấy, khu vực này có giá trị đa dạng sinh học cao với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại. Trong đó có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về kinh tế và khoa học; 28 loài được ghi vào Danh mục đỏ IUCN 2017.
Với vị trí tiếp giáp Khu Bảo tồn thiên An Toàn (tỉnh Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai), khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ được giới chuyên gia đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng, các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung và có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trước các mối đe dọa săn bắn và bẫy bắt trái phép đòi hỏi cần phải có giải pháp và kế hoạch hành động khẩn cấp và lâu dài để bảo tồn loài chà vá chân xám quý hiếm và đa dạng sinh học tại đây.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mặc dù là hành lang đa dạng sinh học quan trọng song do chưa thành lập được khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây nên công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như: Săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản; các cơ chế, chính sách liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể Voọc chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại đây do thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách Nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập khu bảo tồn.
Hình thành khu dự trữ thiên nhiên Tây huyện Ba Tơ theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh góp phần bảo vệ đa dạng sinh thái tại rừng phòng hộ Ba Tơ.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tiếp nhận dự án bảo tồn đa dạng sinh học, dự án được triển khai thực hiện tại 3 xã, bao gồm: Ba Xa, Ba Nam và Ba Lế thuộc huyện Ba Tơ và các vùng lân cận tỉnh Quảng Ngãi. Mục tiêu của dự án là bảo vệ các khu rừng giàu động vật hoang dã và trữ lượng các-bon cao thuộc huyện Ba Tơ và các vùng lân cận trung tâm Trường Sơn của Việt Nam, bảo vệ tính đa dạng sinh học cao của chúng và các tài nguyên thiết yếu, các dịch vụ hệ sinh thái mà chúng cung cấp cho các thế hệ tương lai.
Theo đó, từ năm 2023 đến năm 2025, dự án sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thành lập khu rừng đặc dụng tại tỉnh Quảng Ngãi gồm khu rừng thuộc huyện Ba Tơ, thúc đẩy công tác quản lý các khu rừng tại các huyện lân cận. Trong đó, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học bao gồm các loài thú mặt đất và linh trưởng được thu thập để phát triển kế hoạch bảo tồn loài và báo cáo tiền khả thi khu vực bảo tồn; xác định ranh giới khu bảo tồn trên thực địa và cả ranh giới theo truyền thống.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý cho các Ban Quản lý rừng thông qua áp dụng công cụ tuần tra SMART và bảo đảm tuân thủ các chính sách an toàn xã hội trong quá trình thành lập khu bảo tồn. Dự án cũng hướng tới triển khai các sự kiện truyền thông, hội thảo thúc đẩy quá trình thành lập rừng đặc dụng và sự cần thiết hình thành khu dự trữ thiên nhiên Tây huyện Ba Tơ; giúp địa phương xây dựng phương án hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sinh sống xung quanh khu vực bảo tồn.
Hạnh Lê