Nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) kêu gọi thế giới chung tay hành động để giảm rác thải nhựa.
Cơ sở tái chế chai nhựa tại Lahor, Pakistan. (Ảnh Tân Hoa Xã)
Trong thông điệp phát qua video tại sự kiện kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm nay với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa", ông Guterres khẳng định việc thế giới khởi động đàm phán một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa là một bước đầu tiên đầy triển vọng, song tất cả các nước cần chung tay hành động nhiều hơn nữa. Vòng đàm phán quốc tế thứ hai vừa kết thúc tại Paris (Pháp) vẫn chưa đạt bước tiến đột phá nào.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi (C.Cô-rô-xi) nhắc lại mối nguy hiểm từ vi nhựa và nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi "văn hóa vứt bỏ", phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Lachezara Stoeva (L.Xtô-ê-va) khuyến nghị cộng đồng quốc tế có cách tiếp cận toàn diện, giải quyết toàn bộ chu trình nhựa từ sản xuất đến tiêu dùng và thải bỏ.
ECOSOC kêu gọi hỗ trợ tài chính và công nghệ, nâng cao năng lực giúp các nước đang phát triển chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững sang các mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy khả năng tái sử dụng và giảm chất thải.
Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm có tới hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới và hơn 30% trong số này chỉ được sử dụng một lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế. Mỗi ngày có hơn 2.000 xe rác chở đầy nhựa đổ ra biển, sông và hồ. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho rằng, tình trạng ô nhiễm nhựa có thể giảm 80% vào năm 2040 nếu thế giới hành động ngay bây giờ, thông qua tái sử dụng, tái chế, hướng tới loại bỏ nhựa.