Không chỉ cung cấp nguyên liệu sản xuất đồ dùng sinh hoạt, những cánh rừng trúc sào tại xóm Bản Phường (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) còn mở hướng phát triển du lịch với những điểm check-in độc đáo.
Nằm trong tuyến du lịch phía Tây “Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, huyện Nguyên Bình không chỉ nổi tiếng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo mà còn sở hữu nhiều thắng cảnh thơ mộng. Thời gian gần đây, những cánh rừng trúc bản địa xanh ngút ngàn đã trở thành điểm du lịch mới, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Rừng trúc sào Bản Phường với hàng hàng nghìn cây trúc sào cao vút, tạo ra không gian xanh mát.
Cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 40 km, rừng trúc xóm Bản Phường, xã Thành Công có không gian xanh mát với hàng nghìn cây trúc sào cao vút, vươn mình hòa cùng trời mây. Càng đi sâu vào rừng, du khách càng cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ của thiên nhiên miền sơn cước. Từng hàng trúc đan xen lắc lư theo gió, tiếng lá xào xạc, tiếng chim rừng líu lo như lời thì thầm của đất trời, kể lại câu chuyện cổ tích giúp tâm hồn con người trở nên thư thái. Bản ở phía dưới rừng trúc là Bản Phường có 57 hộ, hơn 200 nhân khẩu, nhà khá thưa thớt, có các dân tộc: Dao Tiền, Dao Đỏ, Tày và Nùng cùng sinh sống.
Vào những ngày nắng đẹp, trời xanh cao và khô ráo là thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng rừng trúc cũng như săn tìm các bức ảnh đẹp. Những tia nắng trên đỉnh đầu len lỏi lọt qua các tán lá, rọi xuống mặt đất làm tăng thêm phần huyền ảo nơi cánh rừng tươi tốt.
Rừng trúc được khai thác trở thành điểm đến du lịch trải nghiệm gần gũi, độc đáo tại huyện Nguyên Bình. Ảnh: XQ.
Huyện Nguyên Bình hiện có 16/17 xã, thị trấn có các diện tích trồng trúc, nhiều nhất là tại các xã Ca Thành, Thành Công, Minh Tâm, Thể Dục, Triệu Nguyên... Một số xưởng chế biến, sản xuất đồ dùng từ nguyên liệu trúc, tre trên địa bàn thường xuyên tổ chức thu mua trúc sào của bà con, để đưa ra thị trường những sản phẩm được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng bàn ghế trúc, chiếu trúc và các loại đồ gia dụng khác.
Năm 2021, huyện Nguyên Bình đã triển khai chương trình xây dựng điểm ngắm cảnh, trải nghiệm vườn trúc sào trong vùng Phja Oắc - Phja Đén với điểm được lựa chọn là vườn trúc Bản Phường, xã Thành Công. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Ban Quản lý rừng đặc dụng, UBND xã Thành Công nghiên cứu, tham mưu xây dựng quy chế khai thác trúc, vầu theo đúng quy trình, thời vụ; vừa khai thác phát triển kinh tế, vừa phục vụ phát triển du lịch.
Cùng với phiên chợ Phja Đén nổi tiếng bởi các sản phẩm miến dong và nông sản địa phương, du khách đến Nguyên Bình có thể tham gia "săn mây" trên đỉnh Phja Oắc, thăm đồi chè Kolia, trang trại cá hồi; tham quan các cánh rừng trúc, rừng thông cổ thụ và tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao Tiền ở xóm Hoài Khao...
Huyện Nguyên Bình đặt mục tiêu, tới năm 2025, nâng tổng diện tích trúc sào lên 2.500 ha, thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, quản lý diện tích đã cho thu hoạch, tăng cường chăm sóc, bảo vệ diện tích trồng mới. Huyện Nguyên Bình cũng đang khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm từ những rừng trúc sào tự nhiên như điểm ngắm cảnh trải nghiệm vườn Trúc sào tại xóm Bản Phường, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén...
Hoàng Huyền