Ngày 9/06, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư nhằm tuyên truyền tiềm năng du lịch địa phương, trao đổi về xây dựng sản phẩm du lịch, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách du lịch cho người dân.
Hội nghị triển khai ứng xử văn minh du lịch tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Huyện Thạch Thất hiện có 209 di tích như đình, chùa, đền, trong đó có 33 di tích đã được xếp hạng quốc gia, 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Di tích nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Tây Phương đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất hình thành một số điểm du lịch sinh thái thu hút khách du lịch. Đặc biệt, huyện còn là địa phương nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, phong phú, đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện trên địa bàn huyện có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với những sản phẩm độc đáo như: Chuồn chuồn tre, chè Lam (Thạch Xá), quạt giấy, nghề mộc tại Dị Nậu, Chàng Sơn…
Theo UBND huyện Thạch Thất, địa phương đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025. Huyện đang xây dựng thí điểm mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại xã Yên Bình, Tiến Xuân.
Trong kế hoạch, huyện Thạch Thất cũng hướng tới mỗi xã, thị trấn có tiềm năng và thế mạnh sẽ triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó sẽ gắn với việc hình thành chuỗi sản phẩm OCOP đạt chuẩn để giới thiệu tới du khách.
Đoàn khảo sát tìm hiểu tiềm năng du lịch làng nghề làm mộc tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Thông tin về chủ trương phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thạch Thất được quy hoạch trở thành một trong những huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại và du lịch sinh thái. Huyện đang chọn hướng đi là phát triển du lịch dựa trên nội lực, thế mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế và nguồn tài nguyên du lịch của huyện; phát triển du lịch gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển theo hướng bền vững...
Năm 2022, huyện Thạch Thất có 2 điểm đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương và khu du lịch sinh thái Hoàng Long. Mục tiêu giai đoạn 2025-2030, Huyện Thạch Thất phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Hằng năm, huyện đón bình quân trên 150.000 lượt khách, trong đó có trên 10.000 lượt khách quốc tế.
Đóng góp ý kiến cho việc phát triển du lịch huyện Thạch Thất, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Hồng Minh cho rằng, địa phương nên đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch văn hoá, du lịch làng nghề, điển hình như khai thác điểm du lịch Hoàng Long, điểm du lịch chùa Tây Phương, làng làm mộc Dị Nậu…
Để phát triển du lịch bền vững, vai trò tham gia của người dân trong phát triển cộng đồng rất quan trọng. Người dân cần giữ gìn cảnh quan, môi trường, đặc biệt là tại các làng nghề; nâng cao kỹ năng ứng xử văn minh. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thất nên có chiến lược kết nối các tour, tuyến điểm trên địa bàn và các huyện lân cận để xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Khảo sát du lịch nông nghiệp tại Thạch Thất.
Với vai trò là người đào tạo, hướng dẫn người dân các kiến thức làm du lịch cộng đồng, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn) cho rằng, người dân cần thay đổi tư duy làm du lịch. Với nhiều thế mạnh, huyện Thạch Thất nên kết hợp phát triển du lịch sinh thái và làng nghề. Người dân cần có sự đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ tại cơ sở sản xuất, nâng cao kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách.
Hoàng Lân