Rác thải xuất hiện ngày càng nhiều tại các bờ vùng biển trên thế giới. Do vậy bảo vệ đại dương là việc làm cần thiết và cấp bách để có một đại dương “khỏe mạnh”.
Công nhân VESCO thu gom rác đại dương tại bãi biển Bãi Trước - TP. Vũng Tàu.
Rác liên tục tấn công đại dương
Hai tuần qua, từ 4 giờ sáng mỗi ngày, khoảng 30 công nhân Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO) đã có mặt ở khu vực biển Bãi Trước để cào, vớt hàng chục tấn rác thải đại dương trôi dạt vào. Rác thải đa số là lục bình, cành củi khô, túi ni-lông, hộp xốp… Khi ngấm nước biển, rác trở nên nặng hơn rất nhiều. 2-3 chiếc xe cuốc, xe ép, xe cẩu và hàng chục công nhân hàng ngày phải làm việc hết công suất để thu gom rác đại dương, bảo đảm bãi biển sạch đẹp cho khách du lịch và người dân tắm biển vào đầu giờ sáng mỗi ngày.
Ông Nguyễn An Hòa, công nhân VESCO cho biết, ông đã có hàng chục năm gắn bó với nghề làm công nhân vệ sinh môi trường. Những năm gần đây, rác đại dương ngày càng nhiều, thời gian rác trôi dạt vào bờ ngày càng kéo dài khiến việc thu gom rất vất vả.
Theo ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc VESCO, những ngày vừa qua, mỗi ngày, VESCO thu gom khoảng 10 tấn rác thải đại dương, có ngày lên đến 15-20 tấn, tăng gấp 3-4 lần so với chu kỳ rác đại dương năm 2022. Ông Hậu thông tin thêm, sau những trận mưa đầu mùa ở khu vực Nam Bộ, gió Tây Nam xuất hiện thì cũng là lúc lượng rác đại dương từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây tràn về các bãi biển Vũng Tàu. Năm nay, mới đầu mùa mưa nhưng hàng chục km Bãi Trước, Bãi Dâu và Bãi Dứa đã phủ kín rác. “Theo chu kỳ, mỗi năm Vũng Tàu phải hứng chịu từ 2 đến 3 đợt rác thải từ đại dương dạt vào, mỗi đợt nhanh thì 3-4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần. Nhưng 2 năm gần đây, rác đại dương không còn theo một chu kỳ nào cả. Lượng rác thải tràn vào biển Vũng Tàu ngày càng nhiều và kéo dài dai dẳng từ tháng 5 đến tháng 10”, ông Hậu nói.
Hiện nay, ngoài biện pháp thu gom, TP. Vũng Tàu cũng chưa có giải pháp nào để ngăn rác từ nơi khác “tấn công” vùng biển vốn sạch đẹp này.
Trong khi đó, tại huyện Côn Đảo, ước tính mỗi năm vùng biển này cũng phải hứng chịu khoảng 900-1.000 tấn rác thải đại dương. Rác tràn ngập trên nhiều bãi biển và rừng ngập mặn, gây ô nhiễm môi trường, de dọa đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo cho hay, các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh); bãi Cát Lớn (hòn Bà); bãi Đầm Trầu, khu vực cuối tuyến bến Đầm, trước vịnh Côn Sơn; bãi Vong; bãi Suối Ớt (hòn Côn Sơn). Tại các hòn khác, rác tập trung vào mùa gió chướng (gió Đông Bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau). Mỗi tuần, Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Côn Đảo và VQG Côn Đảo đều tổ chức thu gom rác. Ngoài ra, nhiều lực lượng, đơn vị khác đóng chân trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức thu gom rác vào các ngày chủ nhật nhưng với lượng rác càng ngày càng nhiều thì việc thu gom cũng chỉ giải quyết được một phần.
Ngày Đại dương thế giới năm 2023 (ngày 8/6) có chủ đề là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Ứng xử có trách nhiệm với biển
Thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hay, nhiều mô hình thiết thực nhằm bảo vệ môi trường biển như: mô hình ký cam kết với những hộ chế biến thủy hải sản, bố trí phương tiện thu gom rác trên tuyến đường ven biển tại huyện Đất Đỏ; mô hình thu gom rác bãi biển cho ngày chủ nhật xanh của TP. Vũng Tàu; ra quân thu gom rác đại dương và lặn biển gom rác ở Côn Đảo… Tuy nhiên, rác đại dương vẫn không ngừng tăng mạnh theo từng năm. Trong đó phần lớn rác đại dương từ nơi khác trôi dạt đến, phần còn lại là do hoạt động xả thải của người dân sống ven biển và ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, trên sông.
Nhằm huy động sức mạnh của người dân tham gia bảo vệ môi trường biển, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch truyền thông về biển và đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Đánh giá, rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đề án, dự án truyền thông liên quan đến biển và đại dương; thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về biển và đại dương; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức cá nhân; ngăn chặn, xử lý thông tin sai lệch; tăng cường kiểm tra, giám sát và sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông.
Theo ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TNMT, để bảo vệ đại dương được khỏe mạnh không phải trách nhiệm của một cá nhân hay một đơn vị nào mà cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả người dân các nước có biển ở vùng lân cận. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa.
“Đặc biệt, cần phải thống nhất trong nhận thức và hành động, ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương, không chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì bảo vệ môi trường”, ông Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Quang Vũ