Hơn 6 tháng nay, người dân huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi thói quen sử túi nylon thông thường sang dùng túi sinh học tự hủy. Việc thay đổi thói quen này là tín hiệu tích cực trong cả suy nghĩ và hành động của mỗi người để Cô Tô thực sự trở thành "huyện đảo không rác thải nhựa".
Chợ Cô Tô - Trung tâm buôn bán, sôi động nhất huyện đảo với hàng trăm chuyến tàu cập bến mỗi ngày. Hải sản được ngư dân mang lên chợ trao đổi, mua bán cùng các loại hàng hóa được vận chuyển từ đất liền ra đảo... Điều bất ngờ, không một tiểu thương nào còn sử dụng túi nylon, thay vào đó là các túi sinh học thân thiện với môi trường.
Vốn là nơi khó để thay đổi thói quen cho cả người mua và người bán nhưng từ hơn nửa năm nay, tất cả tiểu thương chợ Cô Tô đã tiên phong từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon. Chị Vương Thị Tuyết (buôn bán hải sản) bày tỏ: "Ở chợ không sử dụng túi không phân hủy nữa rồi. Túi này 45 ngàn/ký đắt hơn túi bóng kia nhưng chúng tôi thấy thuận lợi và đặc biệt là không gây hại cho môi trường. Ở đây, cán bộ công chức và người dân đều sử dụng làn đi chợ, rất tiện, để đồ vào rất gọn, sạch sẽ".
Tất cả tiểu thương chợ Cô Tô đều sử dụng túi sinh học thân thiện với môi trường để bán hàng.
Không chỉ tại chợ Cô Tô mà tất cả cơ sở lưu trú, nhà hàng trên đảo đều có thùng rác chia ngăn đựng rác hữu cơ và rác vô cơ riêng, giúp du khách thuận lợi trong việc phân loại rác thải. Huyện đảo cũng lắp đặt 65 thùng rác tại các bãi tắm, chợ, các bến tàu... để tránh tình trạng người dân, du khách xả rác trực tiếp xuống biển. Nhiều homestay còn lan tỏa hình ảnh điểm đến thân thiện, trách nhiệm với môi trường khi không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, như chia sẻ của anh Bùi Đức Thành (chủ một homestay tại xã Đồng Tiến), cơ sở tiên phong trong thực hiện Đề án "Huyện đảo không rác thải nhựa". "Chúng tôi sử dụng hoàn toàn vật liệu thân thiện với môi trường và tạo cảnh quan để du khách thấy đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Đặc biệt là chúng tôi xây dựng văn hóa Cô Tô từ cách sống thân thiện, chất phác của người vùng biển", anh nói.
Ngay từ bến tàu, khách sẽ được nhận và hướng dẫn sử dụng túi giấy, túi sinh học thân thiện với môi trường.
Hội phụ nữ của huyện Cô Tô tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng có ích, phục vụ hoạt động du lịch.
Để phát triển du lịch bền vững cho huyện đảo, gần 1 năm nay, Cô Tô đã vận động du khách không mang theo túi nylon, đồ nhựa dùng một lần khi đến đảo tham quan, du lịch. Ngay từ bến tàu, khách sẽ được nhận và hướng dẫn sử dụng túi giấy, túi sinh học thân thiện với môi trường nên lượng rác thải nhựa như chai lọ, túi nylon sử dụng một lần trên đảo giảm tới 50%. Dù vậy vẫn còn một số người chưa có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là ngư dân trên một số tàu cá, như chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô: "Hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn là còn rất nhiều tàu đánh bắt cá, tàu vận tải chưa có thói quen sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vẫn xả thải trực tiếp xuống biển. Và cứ mỗi đợt gió mùa về, rác lại bị đẩy vào đảo, vào đất liền. Chúng tôi rất cần sự hợp tác không chỉ riêng của người dân, du khách Cô Tô mà với các địa phương khác có biển, các xã đảo trong cả nước lan tỏa tinh thần này tới tất cả các xã đảo xa bờ và gần bờ để bảo vệ môi trường...".
Ra đảo, du khách bớt mang theo 1 sản phẩm sử dụng một lần làm từ nhựa; Sử dụng làn nhựa đi chợ hay túi sinh học thân thiện với môi trường;... những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mỗi người nhưng lại là cách làm thiết thực giúp Cô Tô sạch hơn. Và huyện đảo Cô Tô "không rác thải nhựa" chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn giúp du khách lan tỏa tình yêu môi trường, sống có trách nhiệm hơn với tự nhiên và với chính mình./.
Vũ Miền - VOV-Đông Bắc