Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, huyện Yên Bình (Yên Bái) đang nỗ lực phấn đấu, từng bước đưa ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh Yên Bái cũng như quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Vùng đất giàu tiềm năng
Được xác định là một trong 3 vùng văn hóa đặc sắc của tỉnh Yên Bái, gắn liền trong tổng thể Di tích quốc gia hồ Thác Bà, và là một trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, cùng nhiều nét văn hóa đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng sông Chảy. Huyện Yên Bình sở hữu vùng hồ thủy điện Thác Bà, là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc. Hồ có diện tích trên 15.900ha mặt nước, với hơn 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ nằm soi mình giữa mặt nước mênh mông cùng hệ thống hang động đẹp lung linh huyền hoặc như động Thủy Tiên gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ, hấp dẫn của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên; động Cẩu Quây nằm ẩn trong núi đá vôi, với những tượng đá tự nhiên và các nhũ đá, gắn liền với truyền thuyết Liêu Trai… Từ những đặc thù địa hình sinh thái đã tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông rất thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trải nghiệm.
Huyện Yên Bình sở hữu vùng hồ thủy điện Thác Bà, là 1 trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được ví như “vịnh Hạ Long trên núi” của vùng Tây Bắc. (Ảnh: Thanh Miền)
Cạnh đó, địa phương còn lưu giữ rất nhiều những nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... họ sinh sống hòa thuận, đoàn kết và tạo ra những bản sắc văn hóa riêng biệt cho vùng đất.
Hiện tại Yên Bình có 21 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Với nhiều lễ hội lớn diễn ra trong năm, là nơi hội tụ, giao thoa mọi hình thái văn hoá dân gian, nơi lưu giữ nhiều mỹ tục tốt đẹp tiêu biểu như: Lễ hội đền Mẫu Thác Bà, Lễ hội đình Khả Lĩnh, Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng Quốc gia hồ Thác Bà, Lễ hội đình Ba Chãng (xã Phúc An); Lễ hội đình Phúc Hòa (xã Hán Đà)... Những nét đẹp văn hóa độc đáo kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã tạo ra cho Yên Bình một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà không phải nơi nào cũng có.
Nỗ lực để du lịch cất cánh
Để phát huy hiệu quả các tiềm năng phát triển du lịch, thời gian qua, Yên Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quảng bá vùng đất, con người Yên Bình đến với du khách trong và ngoài nước; địa phương đã xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng phục vụ của 26 mô hình du lịch cộng đồng tại các xã Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành; duy trì hoạt động hiệu quả của 37 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian.
Để sâu sát nhiệm vụ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh và Chủ tịch huyện Nguyễn Xuân Trường thường xuyên thực tế những địa bàn có nhiều lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cảnh quan thiên nhiên phù hợp để phát triển du lịch homestay, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp trong huyện như: Thị trấn Thác Bà và các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Mông Sơn, Tân Hương, Đại Đồng, thị trấn Yên Bình... để có những tham mưu cấp trên, trực tiếp chỉ đạo, định hướng kịp thời các chiến lược phát triển du lịch ngắn hạn và dài hạn phù hợp cho mỗi địa phương.
Với định hướng đẩy mạnh phát triển và phong phú các sản phẩm du lịch, toàn huyện đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng và là địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái thành lập và cho ra mắt Chi hội Du lịch của huyện; chú trọng công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình (bên bìa trái), trong một chuyến đi thực tế tình hình phát triển mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn. (Ảnh: Trần Chiến)
Từ đầu năm 2023 đến nay, Yên Bình đón trên 157 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch tăng 17,5% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch đạt trên 128 tỷ đồng.
Năm 2022, du lịch Yên Bình đã có sự tăng trưởng mạnh cả số lượng khách tham quan và doanh thu. Huyện đã đón 325.150 lượt du khách, đạt 148% kế hoạch của huyện và 217% kế hoạch tỉnh giao; doanh thu từ du lịch đạt 195 tỷ đồng đạt 139% kế hoạch của huyện, 170% kế hoạch tỉnh giao. Cũng trong năm 2022, địa phương mở 1 lớp trung cấp hướng dẫn du lịch cho 40 học viên, 1 lớp kỹ năng hướng dẫn viên du lịch cho 40 học viên. Tạo điều kiện cho 24 cá nhân là đại diện các công ty, hợp tác xã, các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các cơ sở lưu trú tham dự tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong hoạt động du lịch do tỉnh tổ chức...
Đồng thời, quan tâm tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch nhằm đẩy mạnh quảng bá cũng như phục vụ du khách và nhân dân địa phương như: Tổ chức trao giải Cuộc thi ảnh "Khám phá du lịch Yên Bái”; Hội đua thuyền "Âm vang hồ Thác” năm 2022; Lễ hội đèn lồng "Trung thu cho em” năm 2022; Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà năm 2022; tổ chức giới thiệu sản phẩm du lịch mới, tham quan hồ Thác Bà...
Đồng chí An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết: Để ngành du lịch địa phương có những bước tiến đột phá, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương, nhằm thu hút mời gọi các tập đoàn đến khảo sát, đầu tư. Đồng thời sẽ định hướng phát triển ngành du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo một lộ trình bài bản, đáp ứng đủ các tiêu chí du lịch cộng đồng gắn với các yếu tố môi trường sinh thái và văn hóa bản địa đặc sắc hấp dẫn. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các hộ gia đình có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch nông nghiệp và du lịch trải nghiệm xây dựng dự án, hướng đầu tư đảm bảo trình tự, tiến độ và quy hoạch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi đang nỗ lực để ngành du lịch địa phương cất cánh xứng với tiềm năng, lợi thế, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp với chiến lược phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” của tỉnh Yên Bái cũng như quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040 theo phê duyệt của Thủ tướng chính phủ...” – Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh nhấn mạnh./.
Bài, ảnh: Trần Chiến