Trách nhiệm bảo vệ hành tinh xanh

Cập nhật: 12/06/2023
Hội nghị tham vấn hằng năm của Liên hợp quốc về khí hậu diễn ra tại thành phố Bonn của Đức, từ ngày 5 đến 15/6, tập trung cao độ bàn thảo về các biện pháp thực chất, cụ thể nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, những nỗ lực bảo vệ khí hậu và Trái đất hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: undp.org)

Cuộc tham vấn tại Bonn được nhận định là cuộc đàm phán quan trọng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ được khởi động vào cuối tháng 11 tới tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hơn 5.000 đại biểu đến từ khoảng 200 quốc gia đã quy tụ tại hội nghị ở Bonn, thảo luận về những tiến bộ cũng như hạn chế trong cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.

Vấn đề hỗ trợ tài chính cho kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bồi thường thiệt hại cho các nước chịu ảnh hưởng... cũng được bàn thảo.

Khẳng định tầm quan trọng của cuộc tham vấn hằng năm này, Quốc vụ khanh kiêm Đại diện đặc biệt về chính sách khí hậu quốc tế của Chính phủ Đức Jennifer Morgan nêu rõ, cuộc tham vấn nhằm xây dựng một liên minh thúc đẩy các chính sách khí hậu toàn cầu đầy tham vọng, hướng tới đạt được những quyết định mang tính đột phá.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù nhận thức chung về mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu đã được nâng cao rõ rệt trong những năm qua, hành động của các quốc gia vẫn chưa đủ quyết liệt và không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Khả năng kìm hãm tốc độ ấm lên của Trái đất phụ thuộc phần lớn vào việc các quốc gia có thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hay không. Theo một báo cáo mới đây, ở nhóm 35 nước chiếm 4/5 lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn thế giới, gần như tất cả các nước trong nhóm này ghi điểm thấp về kế hoạch trung hòa khí thải các-bon. Hầu hết các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia... ở mức xếp hạng thấp nhất.

Trong khi đó, theo Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi. Dù chỉ chiếm khoảng 2%-3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, châu lục này lại phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Các số liệu trên một lần nữa nhấn mạnh vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là nghĩa vụ của những nước có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn.

Hồi năm 2022, COP27 đã đạt bước tiến tích cực với việc thống nhất thành lập một quỹ bù đắp tổn thất, thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương trước sự nóng lên toàn cầu.

Từ kết quả của COP27, dư luận kỳ vọng tiếp tục có thêm tiến triển về vấn đề khí hậu tại COP28 sắp tới. Chủ tịch COP28 Sultan Al-Jaber đã nhiều lần khẳng định quyết tâm thúc đẩy cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và cho biết, lộ trình của hội nghị COP28 bao gồm việc thực hiện mục tiêu toàn cầu là đến năm 2030 sẽ tăng gấp ba giá trị đóng góp của năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng và thị phần của hi-đrô sạch.

Trong khi đó, sự tàn phá của biến đổi khí hậu được cảm nhận ngày càng rõ rệt. Theo một nghiên cứu, khoảng 2 tỷ người sẽ sống trong điều kiện nhiệt độ nguy hiểm vào cuối thế kỷ này, nếu các chính sách khí hậu tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia của Mỹ (NOAA) cho biết, hình thái khí hậu El Nino đã chính thức quay lại, nhiều khả năng dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay, như bão nhiệt đới, mưa lớn và hạn hán.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang có nguy cơ chệch hướng do mức độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Những lời cảnh báo và cam kết đã được cộng đồng quốc tế đưa ra, nhưng còn cần nhiều hành động thực chất, có trách nhiệm và táo bạo hơn nữa để bảo vệ môi trường sống và kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất.

Tường Vy

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 12/06/2023