Với vị thế là quốc gia biển (bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều đảo, giàu tài nguyên, giữ vị trí địa chính trị - địa kinh tế quan trọng của khu vực và thế giới), hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, hằng năm, Việt Nam đã tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, giới thiệu tiềm năng tài nguyên biển và phát triển kinh tế biển, hành động để khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển...
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển. Ảnh: Cẩm Linh
Cơ hội để lan tỏa các thông điệp xanh
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam chính thức trở thành một hoạt động thường niên kể từ năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đây là sự kiện quan trọng không chỉ có ý nghĩa sâu sắc và mang tầm quốc gia, mà còn có ý nghĩa cả về phương diện quốc tế. Đây là sự kiện tôn vinh biển, hải đảo và để bày tỏ mối quan tâm gắn bó của con người với biển, đảo vì tương lai của chính chúng ta.
Mục tiêu chung của việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò quan trọng của biển, đảo trong đời sống, qua đó, cổ vũ các hoạt động vì môi trường biển, hải đảo. Đồng thời, thông qua các hoạt động từ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Đây cũng là công việc cần thiết để duy trì một phương thức mới trong khai thác, sử dụng và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam, qua đó, góp phần giữ cho đại dương của nhân loại được khỏe mạnh, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai của chúng ta.
Có thể thấy rằng, sau 14 năm, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được xem như một “mốc sự kiện” có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển, đảo của đất nước. Đồng thời, là động thái tích cực của Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, là minh chứng khẳng định, Việt Nam không chỉ là một dân tộc yêu biển, tích cực bảo vệ môi trường hải đảo, mà còn là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng đại dương thế giới. Mặt khác, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm cũng là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Tạo không gian để giàu, mạnh từ biển
Theo Mục tiêu quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến việc tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả, góp phần hình thành các ngành kinh tế biển vững mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh từ biển.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các đơn vị thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Đồng thời, Việt Nam khẳng định chiến lược phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển để tạo không gian phát triển bền vững.
Mới đây, tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp tục làm rõ về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Song, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề “ô nhiễm trắng” liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện... Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Do đó, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục khó khăn, thách thức; ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Với khoảng 50% dân số sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều này đã đặt ra thách thức trong thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.
Cẩm Linh