Vĩnh Phúc: Liên kết để phát triển du lịch

Cập nhật: 14/06/2023
Sẵn lợi thế về vị trí địa lý, lại có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, nhiều di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Vĩnh Phúc đã và đang là điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là việc liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở lưu trú và giữa các tuyến điểm du lịch còn nhiều hạn chế, cần sớm được khắc phục, hướng tới phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Liên kết theo mô hình du lịch chuỗi, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng tại thị trấn Tam Đảo là giải pháp hữu hiệu, thu hút du khách đến nghỉ dưỡng. Ảnh: Chu Kiều

Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn như dãy Tam Đảo; hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, Thanh Lanh… cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, thắng cảnh nổi tiếng như Khu Di tích lich sử và danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, Đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn…

Cùng với đó là các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo; các sản phẩm làng nghề truyền thống; trò chơi dân gian đặc sắc..., tạo điều kiện để tỉnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...

Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các DN lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

Trong đó, việc liên kết tour, các điểm đến giữa các các cơ quan quản lý Nhà nước, các điểm đến; giữa DN lữ hành với các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP; phát triển các tour du lịch nội tỉnh và ngoại tỉnh bước đầu hình thành.

Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch Vĩnh Phúc vẫn còn là điểm đến tiềm ẩn với nhiều du khách và thậm chí đối với cả những người làm du lịch ở các tỉnh phía Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, điển hình như Hội nghị quảng bá, xúc tiến điểm đến Vĩnh Phúc với chủ đề: "Vĩnh Phúc - điểm đến ấn tượng, an toàn" được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2022.

Tại hội nghị, các DN du lịch, dịch vụ, lữ hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và ở tỉnh đã cùng nhau trao đổi, ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù.

Đáng nói, hoạt động xúc tiến du lịch thông qua các đoàn Farmtrip với sự tham gia của các DN lữ hành, cơ quan báo chí truyền thông đến khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như Flamigo Đại Lải, sân golf Thanh Lanh, Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Tam Đảo qua nhiều năm triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều đơn vị lữ hành tham gia khảo sát sau chuyến đi đã ký được các tour đưa khách về tỉnh; nhiều DN kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh như Flamingo Đại Lải Resort, Venus Tam Đảo, Dicstar Vĩnh Yên đã đẩy mạnh liên kết và có chương trình hỗ trợ giảm giá trong các tour cho các DN lữ hành trong các tour.

Tuy nhiên, thực tế, việc liên kết phát triển du lịch giữa các DN, cơ sở, giữa các điểm đến trên địa bàn tỉnh còn chưa chặt chẽ, nhiều hạn chế. Các địa phương vẫn chưa xây dựng được các chương trình hấp dẫn trong việc kết nối các điểm đến để tạo thành tour, tuyến đặc sắc.

Chia sẻ về điều này, ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL cho biết: Hoạt động liên kết du lịch trên địa bàn tỉnh đã hình thành từ lâu và có đủ các sản phẩm du lịch nhưng cái yếu trước hết là số lượng đơn vị lữ hành của tỉnh hiện có quá ít (chỉ có 16 DN); do đó, việc kết nối với các cơ sở lưu trú, các điểm bán sản phẩm quà tặng rất hạn chế.

Thêm nữa, với các tour du lịch đến các làng nghề thì hiện, tại 20 làng nghề trên địa bàn tỉnh mới chỉ sản xuất cái mình có chứ chưa có sản phẩm mà khách du lịch cần khiến các tour này thiếu đi sức hấp dẫn.

Và mặc dù đã có sự liên kết giữa các DN nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng như: Bãi đỗ xe, gian hàng quà tặng lưu niệm, dịch vụ... tại các điểm du lịch còn nghèo nàn và các DN kinh doanh sản phẩm quà tặng, cơ sở lưu trú trong liên kết chưa thực sự xây dựng được chính sách hỗ trợ cao cho các đơn vị kinh doanh lữ hành. Mặt khác, bản thân các chủ thể du lịch chưa có sự liên kết chặt chẽ để cùng xây dựng và hoàn hiện hệ sinh thái du lịch.

Để du lịch Vĩnh Phúc khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, bản thân các DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần có sự liên kết, hợp tác cùng có lợi để khai thác tiềm năng du lịch, góp phần xây dựng hệ sinh thái du lịch của tỉnh.

Lưu Nhung

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn - Đăng ngày 13/06/2023