Xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Tân Lập - Hà Giang

Cập nhật: 15/06/2023
Tân Lập là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, trong sự gian khó ấy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tìm thấy “viên ngọc quý”, được kỳ vọng tạo đà thúc đẩy phát triển KT-XH ở Tân Lập. Đó là phát triển du lịch với thương hiệu Tân Lập Xanh trên cơ sở bảo tồn và xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu dân tộc Pà Thẻn, thôn Minh Thượng.

Rừng chè Shan tuyết là một trong những điểm nhấn thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.

Tân Lập giữ vị trí thuận lợi trong đầu mối kết nối tuyến du lịch khi có đường tỉnh 177 nối từ Quốc lộ 2 qua xã Tân Lập đi các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) đấu nối đến huyện Bắc Hà (Lào Cai) và kết nối từ huyện Bắc Hà qua xã Tân Lập, lên thành phố Hà Giang để di chuyển đến vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt hơn, ở độ cao trung bình từ 800 m đến hơn 1.500 m so với mực nước biển, xã Tân Lập được ví như một cao nguyên rộng lớn với tổng diện tích đất tự nhiên gần 7.500 ha (trong đó, đất rừng chiếm hơn 5.000 ha), tạo nhiều cung bậc cảm xúc ấn tượng. Đó là cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn, chứa đựng tiềm năng tham quan, dã ngoại, nghỉ dưỡng với những điểm nhấn hấp dẫn như: Cổng trời Tân Lập, hệ thống thác nước trắng, nguồn nước nóng thiên nhiên, suối cá, rừng chè cổ thụ, rừng vầu tự nhiên, hệ thống ruộng bậc thang kỳ vĩ mùa nước đổ và lung linh sắc vàng mùa lúa chín. Không những vậy, Tân Lập còn có những dãy núi cao lên tới 1.500 m so với mặt nước biển, có thể ngắm vọng khu trung tâm huyện Hoàng Su Phì và Bắc Quang.

Xã Tân Lập có 5 dân tộc cùng sinh sống gồm: Tày, Dao, Mông, Kinh, Pà Thẻn. Các dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng biệt, tạo nên tính đa dạng nhưng thống nhất về bản sắc văn hóa của người Việt. Trong đó, thôn Minh Thượng là địa bàn với 100% đồng bào Pà Thẻn sinh sống, giữ được những nét văn hóa truyền thống và có các di sản văn hóa phi vật thể phong phú như: Hát Páo Dung, lễ hội Nhảy lửa, cầu mưa, các nghề truyền thống (thêu, dệt, đúc), trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa giá trị...

Nhảy lửa - nét văn hóa độc đáo của đồng bào Pà Thẻn được duy trì qua nhiều thế hệ.

Từ thực tế trên, nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch ở Tân Lập, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của tỉnh về xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tháng 2.2022, UBND huyện Bắc Quang đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn, xây dựng Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu dân tộc Pà Thẻn Minh Thượng gắn với phát triển du lịch “Tân Lập Xanh”, xã Tân Lập giai đoạn 2021 – 2024, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xây dựng khu du lịch Tân Lập Xanh là hình thức xây dựng sản phẩm du lịch có tính liên kết cao giữa 4 sản phẩm du lịch: Văn hóa – Sinh thái – Vui chơi giải trí – Nghỉ dưỡng.

Để thực hiện chiến lược trên, xã Tân Lập hiện đang đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng; phát triển danh mục ẩm thực, văn hóa, văn nghệ truyền thống; xây dựng các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn; quy hoạch vùng trồng rau, củ, quả ôn đới, nuôi lợn đen bản địa, gà đen, ngan đen, cá đặc sản... tại thôn Chu Thượng để sẵn sàng đón khách du lịch. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, phát triển các điểm “check in” tại không gian cổng trời Tân Lập và trên địa bàn 7 thôn như: Minh Thượng, Minh Hạ, Khá Hạ, Khá Thượng...

Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Tống Xuân Ngự cho biết: Xã đang phối hợp với cơ quan liên quan để đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp tỉnh năm 2024. Đó là tạo dựng, quản lý và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận cho dịch vụ du lịch “Tân Lập Xanh”. Việc đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ, động lực thúc đẩy công tác khai thác, phát triển, quảng bá du lịch tại Tân Lập là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao. Bởi đây sẽ là công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của du khách, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch; đồng thời, quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Tân Lập Xanh theo hướng: Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.

Bài, ảnh: Thu Phương

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 08/06/2023