Vùng biển đảo Quảng Nam đang chịu quá nhiều áp lực khiến suy thoái đa dạng sinh học. Vì thế mà chung tay hành động bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo là rất cần thiết.
Khu vực biển Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành) từ lâu đã trở thành “chiếc túi đựng rác” bởi đây là điểm hội tụ của các dòng chảy từ sông Trường Giang, các đầm, phá, vịnh trên địa bàn huyện.
Trong số các nguồn thải ra biển có thể thấy rác từ hoạt động của cộng đồng dân cư ven biển, phát sinh từ tàu biển chở hàng hóa ra vào cảng Chu Lai, cảng Kỳ Hà, các phương tiện đánh bắt thủy hải sản, các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu cá, nhất là nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp ở khu kinh tế trên địa bàn.
Các chất thải chứa hàm lượng dầu, hóa chất tẩy rửa, kim loại nặng đe dọa nghiêm trọng môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học biển. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều loài hải sản, rong, san hô khu vực Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa đang bị giảm sút về số lượng.
Chợ ven biển Tam Tiến (Núi Thành)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu UBND huyện Núi Thành khẩn trương thiết lập khu bảo tồn biển Bàn Than để ngăn chặn các mối nguy từ rác thải, bảo vệ biển đảo để phát triển nguồn lợi thủy sản, phục vụ du lịch và sinh kế bền vững của cộng đồng cư dân ven biển.
Chủ trương của UBND tỉnh, ngành tài nguyên - môi trường, UBND huyện Núi Thành là khôi phục, bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, các vùng triều, đầm phá, rạn san hô, loài thủy hải sản. Tuy vậy, mặt trái của hoạt động thủy sản, nhất là xả thải từ nuôi tôm không qua xử lý và đánh bắt thủy sản hủy diệt bằng thuốc nổ, hóa chất, xung điện, lờ dây đã đe dọa sinh tồn của các loài sinh vật quý hiếm như cá hồng, cá mú… Trong khi đó, biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng gây nhiều tổn thất to lớn về môi trường, sinh thái biển đảo.
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của nước ta đã bị khai thác quá mức hoặc khai thác đến mức cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân đánh giá thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường biển cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo trên phạm vi cả nước còn rất lỏng lẻo.
Năm 2023, Ngày đại dương thế giới (8/6) được Liên hiệp quốc phát động với chủ đề “Hành tinh đại dương - thủy triều đang thay đổi”. Dịp này Bộ TNMT phát động Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (1 - 8/6) với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
Ông Võ Tuấn Nhân đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển đảo. Các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đảo cần được đánh giá, có giải pháp để phát triển bền vững đất nước.
Những ngày qua, các sở, ngành, địa phương đã đồng loạt ra quân bảo vệ môi trường biển đảo. Kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ven biển và các hải đảo; tuyên truyền các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển đảo; tổ chức cộng đồng ra quân làm vệ sinh môi trường, bảo vệ biển đảo.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương giám sát, xử lý các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến biển đảo vì mục tiêu nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển đảo.
Đã đến lúc ngành chức năng không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào, kêu gọi chung chung mà phải có cam kết về giám sát, xử lý hành vi bức hại môi trường biển đảo. Các địa phương, cộng đồng cư dân ven biển mạnh mẽ vào cuộc, chung tay hành động thiết thực bảo vệ biển đảo vì đa dạng sinh thái, sinh học bền vững.
Vũ Thành