Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch văn hoá - sinh thái của Hoà Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Khách du lịch văn hoá, sinh thái ngày càng tăng.
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng, cái nôi văn hoá của Người Việt cổ. Điều kiện thiên nhiên, lịch sử văn hoá và con người Hoà Bình đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn, mang đến những ấn tượng sâu sắc với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bà Hoàng Thị Chiển, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch khẳng định: Hoà Bình có quần thể 177 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng với sự độc đáo của bản sắc văn hoá thể hiện qua phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày... còn giữ khá nguyên vẹn với trên 30 lễ hội cộng đồng dân tộc như: hội Cồng Chiêng, Lễ hội Khai Hạ, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Đền Bờ. Được thiên nhiên ưu đãi, Hoà Bình có nhiều núi cao, rừng nguyên sinh, hang động, sông hồ cùng các Khu bảo tồn thiên nhiên là thế mạnh cho du lịch phát triển.
Hoà Bình có thể được xem là trung tâm văn hoá Mường với bốn Mường nổi tiếng: Bi, Vang, Thàng, Động. Những bản làng người Mường nằm bình yên bên những triền đồi, thung lũng cạnh những con suối, bên nương lúa, nương ngô, cạnh những thửa ruộng bậc thang tất cả như được bảo vệ bởi triền núi đá vôi. Xứ Mường đã ôm trọn trong lòng bao bí mật về các dòng tộc quan lang có vị thế quyền lực nổi tiếng: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Những giá trị truyền thống văn hoá được bảo tồn qua các lễ hội, hoạt động văn hoá.
Những nét văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành phong tục tập quán ăn sâu, bám rễ vào từng nếp nghĩ, lối sống của người dân đất Mường như "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui" và văn hoá ẩm thực với đặc sản là cơm lam, rượu cần... Nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm tham quan du lịch. Bản mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong với hơn 100 ngôi nhà sàn còn giữ được nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo cùng các phong tục tập quán đã thu hút hàng ngàn lượt khách quốc tế từ Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc đến hàng năm. Ngoài ra còn có bản Luỹ, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc) và bản Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hoà Bình đã và đang trở thành điểm du lịch đầy hấp dẫn.
Bên cạnh đó, bản sắc văn hoá dân tộc Thái góp phần rất quan trọng làm phong phú các sản phẩm du lịch văn hoá, thu hút khách đến du lịch. Giống như bản làng của người Mường, người Thái thường sống ở những nơi có sông, suối, núi rừng, phía trước nhà thường là cánh đồng. Cùng với kho tàng dân ca, người Thái nổi tiếng bởi các điệu xoè. Xoè Thái một sản phẩm múa nổi tiếng và cũng là một trong những nét đặc sắc của người Thái. Huyện Mai Châu là nơi có nhiều bản du lịch nổi tiếng với các bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn... nơi khách du lịch có thể thấy cuộc sống hàng ngày của người dân.
Quần thể các ngôi nhà sàn trong khuôn viên thoáng đãng nằm thấp thoáng trong những rặng cây cùng với hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục truyền thống bên khung cửi dệt vải đã trở nên rất quen thuộc. Dệt thổ cẩm của người Thái đã trở thành nét đặc biệt của văn hoá Thái ở Hoà Bình. Vào dịp lễ, tết các lễ hội được tổ chức, người dân tập trung tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống ở đó các chàng trai, cô gái xum vầy bên đống lửa mải mê ca hát, say mê trong điệu xoè truyền thống...
So với dân tộc khác ở tỉnh Hoà Bình, người Mông chiếm số lượng ít và thường cư trú ở địa hình núi cao hiểm trở, vách đá treo leo hay quanh thung lũng vực hẻm, nơi có độ ẩm cao, quanh năm mây mưa và sương mù bao phủ. Người dân ở đây vẫn trồng đay, xe sợi, dệt vải, nhuộm và cắt may để làm ra bộ trang phục truyền thống đặc sắc. Phong tục tập quán, bản làng, ngôn ngữ của họ càng làm cho sản phẩm du lịch Hoà Bình thêm sinh động hấp dẫn. Người dân với điệu múa khèn vừa thổi vừa múa nổi tiếng được biểu diễn một cách khéo léo tài tình, hay như tiếng khèn lá gọi bạn làm say đắm lòng nhiều du khách. Một số bản đang thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến tham quan ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu).
Với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh khá thông thoáng, nhiều khu du lịch sinh thái đã ra đời như: khu du lịch sinh thái Vresort ở Kim Bôi, thác Thăng Thiên (Kỳ Sơn), thác Bạc Long Cung (Kim Bôi).... Hoà Bình đã kết hợp du lịch văn hoá với du lịch sinh thái để xây dựng những tour du lịch đặc sắc. Đây là những tour du lịch đi bộ dài ngày xuyên rừng. Khách du lịch đi bộ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, hoà mình với thiên nhiên để rồi mỗi đêm ngủ tại từng bản dân tộc khác nhau, được giao lưu tìm hiểu phong tục tập quán và tham gia vào cuộc sống sinh hoạt dân dã của người dân nơi đây.
Trong Nghị quyết phát triển du lịch của mình, Hoà Bình với mục tiêu tập trung và ưu tiên phát triển du lịch Văn hoá - Sinh thái để khai thác tiềm năng, lợi thế; đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng nhanh tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Tỉnh gắn du lịch với giữ gìn và bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng nhu cầu du khách trong thời kỳ hội nhập.
Với lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, trong năm 2009 Hoà Bình dự kiến đón 800.000 lượt khách du lịch; trong đó có 600.000 lượt khách du lịch văn hoá - sinh thái, tăng bình quân 18%/năm.