TP. Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ

Cập nhật: 23/06/2023
Định hướng phát triển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) dựa trên du lịch, gắn sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) với du lịch sinh thái, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được công ăn việc làm cho người dân bám biển.

Xây dựng Cần Giờ thành điểm du lịch khác biệt

Cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh khoảng 50km, với tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch sinh thái.

UBND huyện Cần Giờ đang hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho điểm du lịch sinh thái Dần Xây và khu du lịch Vàm Sát. Điểm du lịch sinh thái Dần Xây và khu du lịch Vàm Sát là hai điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi tới TP.Hồ Chí Minh, với cảnh quan, hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của huyện Cần Giờ.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết với điều kiện tự nhiên đặc trưng cùng với di tích văn hóa, bề dày lịch sử, Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng của huyện. Trong những năm qua, huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, tuyến du lịch mới, tăng cường quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ đến với du khách.

TP.Hồ Chí Minh đang phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên tại đảo Thiềng Liềng. Ảnh: Hữu Long

Tuy nhiên, ngoài điều kiện thuận lợi, ngành du lịch Cần Giờ nói chung và việc triển khai du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP vẫn còn gặp một số khó khăn, trong đó có hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ để kết nối với nội thành và các tỉnh lân cận. Quy hoạch chưa hoàn chỉnh, huyện không có cơ sở để kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, dịch vụ du lịch cũng thiếu yếu tố hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú như hệ thống nhà hàng, khách sạn, thiếu những khu vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm.

Ấp Thiềng Liềng. Ảnh: Hải An

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh, độ tuổi bình quân của khách đến du lịch tại huyện Cần Giờ ở mức 26,5 tuổi, chủ yếu đến từ các quận huyện của TP.Hồ Chí Minh. Đa số khách chọn vui chơi trong thời gian 1 ngày. Khách trẻ tuổi đến Cần Giờ ngày càng nhiều thông qua các thông tin trên mạng xã hội. Từ nhóm khách này, những điều thú vị về huyện đảo tiếp tục được lan tỏa rộng rãi trên Facebook, TikTok…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh, cho rằng Cần Giờ có đặc điểm hoàn toàn khác biệt với các vùng còn lại của TP.Hồ Chí Minh.

“Nếu nó giống với các sản phẩm của TP, không có gì đặc sắc thì không ai chạy 50km để về Cần Giờ cả. TP.Hồ Chí Minh hiện đang rất thiếu các sản phẩm để du khách mua mang về. Nên việc phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm OCOP sẽ giải quyết được bài toán phát triển du lịch lẫn đầu ra cho các sản phẩm”, bà Thảo nói.

Xoài Cần Giờ được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng theo bà Thảo, Cần Giờ nên phát triển những sản phẩm đặc thù với du lịch xanh, bền vững, mà ấp đảo Thiềng Liềng chính là một trong những sản phẩm du lịch cộng đồng điển hình, đón khách đều đặn. Theo bà Thảo, nếu Cần Giờ không giữ được mảng xanh thì 5 - 10 năm nữa địa phương này sẽ chẳng khác gì các phần còn lại của TP.

“Cần Giờ phải là trung tâm trải nghiệm của TP.Hồ Chí Minh, định vị trở thành khu du lịch quốc gia, điểm đến điển hình cho sự hài hòa giữa bảo tồn sinh thái tự nhiên với nâng cao đời sống người dân, giữ vai trò kết nối với các tuyến du lịch quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo nói.

Vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển

Nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ cần có những chính sách dài hạn. Và các chính sách quan trọng trong nghị quyết mới về cơ chế đặc thù chính là “chìa khóa vàng” để tận dụng.

Khu du lịch sinh thái Vàm Sát. Ảnh: Hải An

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, phó trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hồ Chí Minh, một trong những cản trở của phát triển du lịch Cần Giờ là thời gian di chuyển bởi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Bên cạnh yếu tố phát triển giao thông, việc kết nối sóng điện thoại và Internet cũng là yếu tố rất quan trọng, bởi hiện nay một số nơi ở Cần Giờ vẫn chưa được phủ sóng điện thoại đầy đủ. Ngoài ra, ông Anh cho rằng Cần Giờ cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thực tế nguồn nhân lực hiện tại còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.

Đặc biệt, trong đề án cần có thêm vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách. Bởi vì muốn phát triển du lịch trong điều kiện khó khăn như hiện nay cần phải có những cơ chế chính sách.

“Khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 sắp tới, chúng ta cần nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn cũng như các sản phẩm OCOP. Bởi phát triển du lịch hiện nay có những thứ pháp luật chưa có, quy định pháp luật chưa cho, chúng ta cần nghiên cứu đề xuất”, ông Anh chia sẻ.

Cần Giờ nên phát triển những sản phẩm đặc thù với du lịch xanh, bền vững. Ảnh: Hải An

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, cho biết Cần Giờ hiện đang có lợi thế mạnh mẽ để phát triển thông qua nghị quyết 12 của Thành ủy. “Chúng ta có tài nguyên bản địa rất mạnh mẽ, chúng ta cần nâng cao nhận thức phát triển OCOP dựa trên sinh thái. Xem xét sản phẩm chất lượng đã ổn chưa hay còn cải thiện nữa, hay cần có chiến lược marketing để xây dựng thương hiệu tương thích”, ông Vũ nói.

Ông Vũ cũng cho rằng, để du lịch Cần Giờ phát triển “đặc biệt” thì phải có các chính sách dài hạn. “Cần tận dụng những chính sách quan trọng của Nghị quyết 54 để phát triển du lịch, kinh tế Cần Giờ. Song song đó, Cần Giờ cần chủ động nâng cấp chất lượng dịch vụ, sự trải nghiệm cho khách hàng, dồn lực cho các sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch gắn với các sản phẩm OCOP.

Khu du lịch sinh thái Vàm Sát nằm trên địa bàn xã Lý Nhơn, cách bến phà Bình Khánh khoảng 40km, nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Vàm Sát từng được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là "Khu du lịch sinh thái phát triển bền vững của thế giới tại Việt Nam". Ngoài khai thác du lịch, Vàm Sát còn làm nhiệm vụ bảo tồn rừng và hệ sinh thái động thực vật phong phú.

Điểm du lịch Dần Xây nằm tại xã An Thới Đông, nằm ngay trên tuyến đường đi Cần Giờ. Điểm du lịch này tập trung vào khung cảnh thiên nhiên sẵn có của Cần Giờ để đưa du khách trải nghiệm rừng đước bạt ngàn, bầu không khí trong lành tại Cần Giờ. 

Nếu đủ điều kiện và được công nhận, điểm du lịch Dần Xây và khu du lịch Vàm Sát sẽ là những sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh.

Hoàng Minh

Nguồn: Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh - tcdulichtphcm.vn - Đăng ngày 22/6/2023