Thái Nguyên đã xác định, để phát triển bền vững các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cần phải phát triển theo hướng xanh. Hiện nay, hầu hết các điểm du lịch của Thái Nguyên chưa xây dựng Bộ tiêu chí phát triển bền vững, trong đó có bản Quyên của huyện Định Hóa. Thiết nghĩ, việc đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững để được gắn nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh cho cơ sở lưu trú du lịch tại bản Quyên là cần thiết nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với nơi đây.
Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh
Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (Nhãn Bông sen xanh) là nhãn hiệu cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. CSLTDL được cấp Nhãn Bông sen xanh là đơn vị đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển du lịch bền vững.
Tiêu chí được cấp Bông sen xanh:
Các tiêu chí và biểu điểm
Bộ tiêu chí Nhãn Bông sen xanh gồm 81 tiêu chí với tổng số 154 điểm và 25 điểm thưởng, chia làm 3 cấp: Cấp cơ sở: 30 tiêu chí; Cấp khuyến khích: 29 tiêu chí; Cấp cao: 22 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí cấp cơ sở là những tiêu chí cần thiết, dễ thực hiện, chủ yếu mang tính quản lý nội bộ; tiêu chí cấp khuyến khích và cấp cao là các tiêu chí yêu cầu cao hơn, đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn nhằm khuyến khích các CSLTDL liên tục đổi mới, cố gắng để đạt được ở mức cao hơn. Tiêu chí thưởng với tổng số điểm thưởng 25 điểm, áp dụng cho các CSLTDL đã đạt chứng chỉ Công trình Xanh - LOTUS (15 điểm) hay được cấp chứng chỉ ISO 14001 chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường (10 điểm).
Bộ tiêu chí Nhãn Bông sen xanh được sắp xếp thành 4 nhóm chính: A, B, C, D. Mỗi nhóm có các mục cụ thể (A1, A2…; B1, B2…) và mỗi mục có các tiêu chí làm rõ nội dung, đánh giá chi tiết hơn yêu cầu của mục. Cụ thể như sau:
Nhóm A - Quản lý bền vững: gồm 6 tiêu chí cơ sở, 7 tiêu chí khuyến khích, 1 tiêu chí cấp cao với điểm tối đa là 23 điểm.
Nhóm B - Tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương: gồm 1 tiêu chí cơ sở, 3 tiêu chí khuyến khích, 6 tiêu chí cấp cao với điểm tối đa là 25 điểm.
Nhóm C - Giảm thiểu các tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, di sản thiên nhiên: gồm 4 tiêu chí cơ sở, 3 tiêu chí khuyến khích, 4 tiêu chí cấp cao với điểm tối đa là 22 điểm.
Nhóm D - Giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường: gồm 19 tiêu chí cơ sở, 16 tiêu chí khuyến khích, 11 tiêu chí cấp cao với điểm tối đa là 84 điểm.
Đánh giá tiêu chí gắn Nhãn Bông sen xanh cho bản Quyên
Để đánh giá về khả năng gắn nhãn xanh trong hoạt động lưu trú tại bản Quyên, tác giả đã thực hiện khảo sát với 100 phiếu hỏi và phỏng vấn sâu 10 du khách trong thời gian từ tháng 4 - 5/2022.
Nhìn vào bảng tiêu chí đánh giá gắn Nhãn Bông sen xanh và so sánh với những đặc điểm cụ thể của bản Quyên hiện nay có thể đánh giá các homestay tại bản Quyên đáp ứng khá tốt những tiêu chí thuộc nhóm B, với tổng điểm là 24/25. Tuy nhiên, hầu hết các tiêu chí trong nhóm đánh giá A, C, D thì bản Quyên đều không đạt đủ điểm tiêu chuẩn bởi một số vấn đề liên quan đến việc tiết kiệm năng lượng hay tái sử dụng rác thải vẫn chưa thực hiện được, đặc biệt là việc sử dụng năng lượng mặt trời vào trong sinh hoạt hàng ngày của người dân chưa được chú trọng. Tại bản Quyên vẫn chưa thực hiện đo lường nguồn điện, nguồn nước sinh hoạt của khách. Những vấn đề liên quan tới giảm thiểu tác động đến môi trường chưa được quan tâm triển khai. Bản Quyên cũng chưa thực hiện ứng dụng công nghệ trong sinh hoạt của người dân nhằm tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng. Sản phẩm du lịch của bản Quyên chưa hấp dẫn khách du lịch, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng tại đây chưa được đầu tư đồng bộ vì thế phần lớn khách chỉ đến tham quan chứ không lưu trú. Ngoài ra, bản Quyên đã đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh nhưng chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh đạt chuẩn...
Với tổng điểm 90, bản Quyên đạt ngưỡng điểm từ 81 - 100, đạt cấp 2 bông sen, điều này có nghĩa bản Quyên đủ điều kiện để gắn Nhãn Bông sen xanh trong hoạt động lưu trú theo tiêu chuẩn đã được ban hành. Tuy nhiên, với việc định hướng phát triển bền vững thì bản Quyên cần phải đầu tư thêm hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, áp dụng các giải pháp công nghệ trong xử lý rác, nước thải và các biện pháp bảo vệ môi trường…
Để bản Quyên đạt ngưỡng cao hơn trong việc gắn nhãn xanh
Việc áp dụng tiêu chí du lịch bền vững, du lịch xanh đặc biệt là gắn Nhãn Bông sen xanh cho CSLTDL tại bản Quyên là một điều cần thiết cho phát triển du lịch tại đây. Để thực hiện được điều đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn nhằm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật cho hoạt động du lịch tại đây.
Tại bản Quyên, nhận thức của người dân về du lịch còn nhiều hạn chế, một phần do hoạt động du lịch tại đây còn chưa thực sự trở thành sinh kế chính, người dân chủ yếu sinh sống bằng các nghề khác nên họ chưa quan tâm đến du lịch cũng như những lợi ích mà du lịch có thể mang lại. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư về vai trò và hiệu quả của du lịch.
Tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng nghề du lịch, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; khai thác hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
Tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành ở các thị trường nguồn khách với vai trò kết nối xây dựng các chương trình du lịch; trong đó lưu ý đến việc chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
Từng bước chuyển đổi số, tập trung quảng bá du lịch bản Quyên thông qua nhiều hình thức nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin điểm đến du lịch bản Quyên đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt chú trọng công tác gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch, ứng dụng công nghệ nhằm tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng, thực hiện tái sử dụng rác thải, sử dụng năng lượng mặt trời trong các cơ sở homestay…
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2012), Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.
2. Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 – 2025.
3. http://diemmac.dinhhoa.thainguyen.gov.vn
4. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Đình Hiếu, (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội…
*Bài báo là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Thái Nguyên, mã số ĐH2022-TN06-01.
ThS. Đào Thị Hồng Thúy