Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam năm 2023. Đây là sự kiện đặc sắc nhằm tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc và quy tụ tinh hoa văn hóa ẩm thực trong nước và quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Tiếp nối thành công này, tỉnh Hà Giang đã và đang xây dựng những chiến lược dài hơi, thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa của các dân tộc trên vùng cao nguyên đá.
Một tiết mục đặc sắc trong Lễ khai mạc Festival Khèn Mông Hà Giang và Lễ hội ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam năm 2023. Ảnh: Thủy Lê
Cây khèn Mông của đồng bào dân tộc “lên ngôi”
Là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc Mông có số dân đông nhất với trên 31% tổng số dân của cả tỉnh. Đối với người Mông, từ lâu, chiếc khèn đã trở thành nhạc cụ gắn bó với đời sống sinh hoạt và là biểu tượng độc đáo trong nét đẹp văn hóa truyền thống.
Năm 2015, khèn Mông của tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn Mông cũng đã góp phần vinh danh cho Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đầu tiên của Việt Nam và trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo của địa phương, thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước.
Chính bởi những lý do đó, Festival Khèn Mông Hà Giang và Lễ hội ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam năm 2023 được xem là chương trình tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, là nơi gặp gỡ giao lưu giới thiệu các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Hà Giang cũng như của các vùng miền trong cả nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch của Hà Giang và du lịch của Việt Nam theo hướng sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
Tại Festival Khèn Mông Hà Giang và Lễ hội ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam năm 2023, tham dự sự kiện, du khách có dịp trải nghiệm, đắm chìm trong không gian văn hóa các dân tộc, tìm hiểu sự tích cây khèn Mông và thưởng thức tiếng khèn Mông - biểu tượng kết tinh văn hóa từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Mông nơi rẻo cao núi đá. Ngoài ra, còn được tham gia trải nghiệm thực tế nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong cả nước...
Trong đó, có các món ăn mới, đặc sắc chế biến từ cây lương thực truyền thống của Hà Giang như phở ngô, các món ăn từ tam giác mạch. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa Hà Giang với các tỉnh, thành, hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành trong cả nước cùng chung tay xây dựng các sản phẩm, tuyến du lịch mới, mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển du lịch bền vững, góp phần không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam.
“Biến” văn hóa truyền thống thành sản phẩm du lịch
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới hội tụ cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, giá trị văn hóa phong phú, đa dạng. Cùng với cả nước, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê, lượng khách đến với Hà Giang ngày càng tăng. Năm 2022, Hà Giang đón trên 2 triệu lượt khách; 4 tháng đầu năm 2023, lượng du khách đến với Hà Giang đạt xấp xỉ 1 triệu lượt; dự kiến, trong năm 2023 sẽ đạt 3 triệu lượt khách du lịch đến với Hà Giang.
Người Mông thường múa khèn vào những dịp sinh hoạt văn hóa, đám tang, đám giỗ hoặc khi có lễ hội. Ngày nay, tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng thường biểu diễn múa khèn cho du khách xem. Ảnh: Thủy Lê
Đặc biệt, Hà Giang vừa vinh dự được đề cử Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 của Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương. Trước đó, Hà Giang cũng được Tạp chí New York Times bình chọn vào top 25/52 điểm đến tuyệt vời cho du khách toàn cầu khám phá năm 2022.
Không chỉ tại Festival Khèn Mông Hà Giang và Lễ hội ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam năm 2023, cây khèn Mông duyên dáng của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc lên ngôi, khẳng định giá trị của mình, mà ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, cộng đồng các dân tộc nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và nó đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: Chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, Đề án đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho người dân vùng cao, Đề án bảo tồn, phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Văn hóa truyền thống ở Hà Giang được nhiều người biết đến thông qua các hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện nay, tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, có một số làng văn hóa tiêu biểu, như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đang xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì xây dựng theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao; Làng văn hóa du lịch thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xây dựng theo mô hình kiểu mẫu.
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại các làng văn hóa du lịch. Người dân trực tiếp tham gia bảo tồn và có thêm nguồn thu nhập thông qua việc tham gia học tập và biểu diễn phục vụ du khách.
Anh Triệu Lôi Hồng, Hợp tác xã du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Nhiều du khách đến đây rất yêu thích trước phong cảnh nên thơ, hữu tình và cuộc sống bình dị của đồng bào các dân tộc bên những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn. Họ sung sướng được cùng với đồng bào đi thu hoạch ngô trên nương rẫy, hay đi lấy nước nơi con suối xa... Chúng tôi cũng chủ động nhờ các nghệ nhân dân gian đến thôn để biểu diễn các tiết mục văn nghệ hay trình diễn các nghề truyền thống cho du khách xem để họ thỏa niềm đam mê”.
Có thể nói, chính sự đa dạng trong kho tàng văn hóa đã và đang tạo ra cơ hội lớn để tỉnh Hà Giang phát triển các loại hình du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Do vậy, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc đang được tỉnh Hà Giang triển khai đa dạng, như một cách tạo đà cho du lịch phát triển bền vững ngay chính tại địa phương này.
Thủy Lê