Hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh công bố kế hoạch đầu tư 400 triệu USD cho mục tiêu trồng được hơn 200 triệu cây xanh cho đến năm 2030.
Được biết đây là khoản đầu tư có quy mô toàn cầu mang tên AZ Forest của Tập đoàn. Đây là một phần của chiến lược cắt giảm phát thải khí CO2 của doanh nghiệp này nhằm đáp ứng nội dung của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Với cam kết trên, công ty dược phẩm Anh dự định chi khoảng 60 triệu USD/năm cho kế hoạch trồng cây và phục hồi cảnh quan. Cam kết bền vững này lớn hơn nhiều so với những cam kết mà AstraZeneca từng đưa ra trước đó, đồng thời cũng là một trong những dự án trồng cây bù đắp carbon lớn nhất hiện nay.
Thông qua AZ Forest, AstraZeneca đặt mục tiêu sẽ loại bỏ lượng khí thải còn lại trong khí quyển từ năm 2030 trở đi
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang đe dọa hành tinh cũng như sức khỏe con người, các quốc gia có diện tích rừng nhiệt đới lớn như Brazil và Indonesia hấp thụ nhiều CO2 nhất và có tầm quan trọng trong nỗ lực hạn chế sự ấm lên của Trái Đất.
Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn AstraZeneca, Ngài Pascal Soriot, cho biết: “Cuộc khủng hoảng kép gây ra do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đang gây tổn hại đến hành tinh và sức khỏe con người. Thông qua AZ Forest, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương và chuyên gia sinh thái để thực hiện phục hồi rừng trên quy mô lớn, cũng như hỗ trợ đa dạng sinh học và duy trì sinh kế cho người dân. Theo cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học của chúng tôi, AZ Forest sẽ loại bỏ khoảng 30 triệu tấn khí thải các-bon khỏi bầu khí quyển trong 30 năm tới”.
Các dự án của AZ Forest được đồng thiết kế bởi các chuyên gia lâm nghiệp, cộng đồng địa phương và chính phủ các nước nhằm phục hồi rừng tự nhiên, phát triển sản xuất nông lâm kết hợp, từ đó đem lại các đồng lợi ích như tạo thêm việc làm, phát triển kỹ năng mới, bảo tồn và khôi phục các loài động, thực vật bị đe dọa hay có nguy cơ tuyệt chủng, và cải thiện sức khỏe cộng đồng
Hồi đầu tháng, AstraZeneca cũng thông báo việc chuyển đổi sang sử dụng khí sinh học (biogas) được làm từ chất thải chăn nuôi và thực phẩm tại cơ sở sản xuất ở Mỹ nhằm cắt giảm lượng CO2 phát thải tại đây. Khí sinh học được xem là một nguồn năng lượng sạch, giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Trước đó, các nhà nghiên cứu từng cảnh báo phần lớn ngành dược phẩm và công nghệ sinh học toàn cầu chưa đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 mà Hiệp định Paris về biển đổi khí hậu đề ra.
Tô Anh