Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang về xây dựng Đề án "Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, giai đoạn 2021-2030", sáng 5/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội thảo khoa học "Du lịch tâm linh và con đường Hoằng dương Phật pháp Yên Tử, Bắc Giang".
Dự hội thảo có các PGS.TS: Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; lãnh đạo một số viện nghiên cứu lịch sử, văn hóa; Cục Du lịch quốc gia; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; sở, ngành của tỉnh, doanh nghiệp lữ hành.
Các đại biểu chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thông tin: Tại tỉnh Bắc Giang, sườn Tây Yên Tử trải dài qua địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, gắn liền với sự hình thành, phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Trong những năm qua, việc nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã được tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua nhiều nhiệm kỳ đều xác định mục tiêu phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó gắn quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, hệ thống di tích, danh thắng Tây Yên Tử với quy hoạch phát triển chung của tỉnh.
Nghị quyết số 112, ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xác định phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 hình thành 5 không gian du lịch chủ yếu với sản phẩm du lịch chính của tỉnh là “Du lịch văn hóa tâm linh Bắc Giang”, “Về miền đất thiêng Tây Yên Tử gắn với con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử".
PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đều khẳng định giá trị của loại hình du lịch văn hóa tâm linh, sự cần thiết của việc xây dựng Đề án. Các tham luận tập trung đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, phát triển du lịch; giá trị, ý nghĩa của việc phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch tâm linh gắn với di sản.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm mô hình hợp tác công-tư, phát triển yếu tố kinh tế tư nhân trong hoạt động văn hóa. Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về các điểm di tích Tây Yên Tử liên quan đến con đường Hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, trải nghiệm của du khách, giúp gia tăng giá trị sản phẩm du lịch.
Ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL thông tin một số vấn đề liên quan đến chủ trương phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch xây dựng, sáng tạo các dịch vụ kết hợp di sản văn hóa, mở ra những tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Qua đó vừa bảo tồn di sản, vừa tạo sinh kế cho lao động địa phương và lợi nhuận cho các doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, việc phát triển du lịch văn hóa, tâm linh cần bảo đảm yếu tố nguyên gốc của di sản, bảo vệ cảnh quan và mang tính bền vững.
Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học Việt Nam gợi mở, Sở VHTTDL nên quan tâm phát huy những di chỉ đã được khai quật bên sườn Tây Yên Tử, không nhất thiết phải xây dựng, phục dựng mới 100% các điểm di tích vì chi phí sẽ rất lớn. Tùy giá trị của từng di tích có thể nghiên cứu, giữ nguyên hiện trạng, dấu tích còn lưu giữ lại phục vụ khách tham quan.
Đề cập tới nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch, PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, các nguyên tắc phải phù hợp với nhu cầu của khách, bảo đảm lợi ích kinh tế trên các phương diện (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân), tạo ra được lợi thế cạnh tranh và có sự khác biệt, đồng thời bảo tồn, gìn giữ tài nguyên và thiên nhiên.
Nhà báo Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang phát biểu tại hội thảo.
Một số đại biểu đề nghị tổ chức các hội thảo nghiên cứu sâu về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông, từ đó tạo ra những câu chuyện lịch sử, văn hóa hấp dẫn du khách; tăng cường công tác quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Mỗi phân khu trong Đề án phải có những ý tưởng mới, sản phẩm khác biệt với sườn Đông Yên Tử, tạo ra những giá trị mới. Cùng đó, giữ nguyên yếu tố nguyên bản của di sản, huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương nơi có di tích để phát triển du lịch.
Việc tổ chức hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu làm rõ thêm các thông tin về giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo vùng đất Tây Yên Tử Bắc Giang, làm cơ sở để xây dựng Đề án "Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử".
PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trao đổi về nguyên tắc phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch.
Đồng thời tôn vinh giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử. Qua đó góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản để phát triển KT-XH địa phương; mở ra cơ hội thu hút đầu tư du lịch, nhất là du lịch tâm linh-sinh thái, tạo động lực để du lịch Bắc Giang phát triển.
Tin, ảnh: Công Doanh