Phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia U Minh Hạ - Cà Mau

Cập nhật: 06/07/2023
Nhằm tạo bước chuyển biến trong việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác hợp lý các thế mạnh, tiềm năng của Vườn quốc gia U Minh Hạ trong thực tiễn định hướng phát triển của ngành du lịch, tỉnh Cà Mau đã định hướng triển khai phát triển du lịch bền vững tại Vườn quốc gia này.

Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên địa phận hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là một trong 34 vườn quốc gia tại Việt Nam. Nơi đây được UNESCO công nhận là một trong ba vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong hơn 8.500ha, Vườn quốc gia U Minh Hạ quản lý còn khoảng 1.761ha rừng nguyên sinh - diện tích rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim, 47 loài lưỡng cư, bò sát. Rừng tràm U Minh Hạ hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cà Mau. Với lợi thế cây tràm giúp rừng U Minh Hạ có được đặc sản mật ong rừng tự nhiên sánh vàng, ngọt mát.

Với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên, nhân văn VQG U Minh Hạ là nền tảng để Cà Mau phát triển du lịch sinh thái bền vững. Ảnh: KM. 

Cùng với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên, VQG U Minh Hạ còn sở hữu tài nguyên du lịch nhân văn. Rừng tràm ở U Minh Hạ đã in đậm khí phách hào hùng của những cuộc đấu tranh cách mạng chống áp bức, chống giặc ngoại xâm. Rừng U Minh là một vùng địa lý đặc thù đã ghi dấu ấn sâu sắc trong tiềm thức và tình cảm của nhân dân Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung, bởi U Minh là căn cứ kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực (1868), của hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự (1872). Đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo (1930 - 1975) rừng U Minh Hạ là một vùng căn cứ địa cách mạng của Nam Bộ trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn có một số di tích lịch sử như công binh xưởng, trạm quân y, hầm bí mật, Làng rừng (giai đoạn 1958 – 1960). Đây cũng chính là các di tích đang được lập hồ sơ và phục dựng lại để đưa vào phục vụ tham quan du lịch. Vườn Quốc gia U Minh Hạ có các làng nghề truyền thống, các đặc sản có nguồn gốc từ hệ sinh thái rừng tràm như nghề gác kèo ong. Nếu chúng ta khéo léo trong việc kết hợp các làng nghề truyền thống, các đặc sản của rừng tràm và tái hiện lại làng rừng xưa sẽ góp phần cho du lịch sinh thái sinh động và hiệu quả.

Vườn quốc gia U Minh Hạ xét ở góc độ quốc gia, đây là điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia; đồng thời cũng là điểm du lịch có ý nghĩa địa phương, tạo nét đặc thù của tỉnh Cà Mau. Do đó, có thể thấy rằng Vườn quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm du lịch rất tiềm năng cần tập trung đầu tư phát triển. Mặt khác, Vườn quốc gia U Minh Hạ được xem như là điểm nhấn ở không gian du lịch phía Tây của tỉnh với dải rừng ngập mặn ven biển, là một phần của khu dự trữ sinh quyển, là tài nguyên quý báu của tự nhiên, đồng thời là nơi có thể phát triển du lịch sinh thái hấp dẫn của Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Vườn quốc gia U Minh Hạ có thể kết nối với điểm du lịch như khu dự trữ sinh quyển, hòn Đá Bạc, nhà bác Ba Phi, lễ hội Nghinh Ông, đầm Thị Tường, khu căn cứ Xẻo Đước, Mũi Cà Mau để tạo ra các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch tham quan, du lịch văn hóa…

Tuy nhiên, trong những năm qua việc hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia U Minh Hạ có nhiều khó khăn hạn chế: Hoạt động du lịch còn mang tính đơn điệu, quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch sinh thái còn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên khả năng thu hút khách du lịch chưa cao... Những khó khăn, hạn chế trong thực tế làm cho hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia U Minh Hạ chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của mình.

Nhằm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở Vườn quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG U Minh Hạ đến năm 2030 với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.458 tỷ đồng, trong đó có 1.400 tỷ đồng vốn xã hội hóa.

Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQG U Minh Hạ được phân thành sáu khu chức năng. Ảnh: PH.

Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, Vườn quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu chức năng, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính và một phần phân khu phục hồi sinh thái với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Các phân khu gồm: Phân khu dịch vụ hành chính có diện tích 743,6ha (tiểu khu 5, tiểu khu 6, khoảnh 3 và khoảnh 6 tiểu khu 76, tiểu khu 77); và một phần phân khu phục hồi sinh thái với diện tích 574,9ha (khoảnh 3 và khoảnh 6 tiểu khu 70, khoảnh 3 tiểu khu 73).

Hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phân thành sáu khu chức năng: Khu đón tiếp du khách; khu du lịch sinh thái; khu vườn sưu tập động thực vật và vườn dược liệu (mô hình Safari vườn, thú); khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống; khu nghỉ dưỡng; và khu trồng cây lưu niệm.

Ngoài ra, Đề án còn có các tuyến du lịch như: Các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch (hoạt động bằng các phương tiện ôtô, xe máy, xe điện, xuồng, đi bộ...) và các tuyến kết nối các khu điểm du lịch ở khu vực như khu du lịch Hòn Đá Bạc, khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu-điểm du lịch khác ở trong và ngoài tỉnh.

Nhằm bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tổ chức kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, các tổ tuần tra rừng để giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ và phục hồi rừng, đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư công tác trồng rừng mới, bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên. Áp dụng các biện pháp lâm sinh: trồng rừng mới, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, phục hồi rừng với các loài cây tràm bản địa nhằm nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng trên đất than bùn, qua đó nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua giao khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, thực hiện các cuộc điều tra, nghiên cứu cơ bản khu hệ động, thực vật để đánh giá mức độ đa dạng sinh học, chú trọng đến công tác loài quan trọng có tính chất chỉ thị, các loài có nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ...

Thanh Hà

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 05/07/2023