Bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Hoàng Liên - Lào Cai

Cập nhật: 11/07/2023
Nhằm giữ vững cảnh quan thiên nhiên với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, trong những năm qua UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ như: Quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật...

Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2022 theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có diện tích hơn 28.000ha với độ cao từ 1.000 đến 3.000m so với mặt nước biển, nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa bàn thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Với sự đa dạng về động, thực vật, Vườn quốc gia Hoàng Liên được chọn là Trung tâm đa dạng sinh học của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loài thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN).

Theo đánh giá của các tổ chức khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học rừng, Vườn quốc gia Hoàng Liên có hệ thực vật Fansipan mang đặc trưng các yếu tố thực vật á nhiệt đới và ôn đới của 3 luồng là Vân Nam - Himalaya, Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa và luồng thực vật Ấn Độ - Malaysia. Bước đầu đã thống kê được 2.847 loài thực vật có mạch thuộc 1.064 chi và 229 họ.

Với giá trị tài nguyên phong phú, quý hiếm công tác bảo tồn được địa phương chú trọng triển khai.

Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Hoàng Liên có nhiều thực vật quý hiếm, đặc hữu và nhiều loại cây dược liệu có giá trị cao. Về hệ động vật, đến nay đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú, 346 loài chim, 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng cư. Đặc biệt, Vườn quốc gia Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch, nhái có ở Việt Nam. Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2003, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Vườn quốc gia Hoàng Liên đang là nơi sinh sống nhiều loài lưỡng cư quý hiếm trong Sách đỏ.  Theo báo cáo kết quả bảo tồn lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2022, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 12 đợt nghiên cứu thực địa (các chuyên gia quốc tế tham dự 3 đợt) tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và các vùng lân cận.

Kết quả, đã ghi nhận 49 loài tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát; đã cập nhật một danh lục gồm 88 loài cho khu hệ lưỡng cư ở Vườn quốc gia Hoàng Liên; mô tả 5 loài mới cho khoa học; ghi nhận 5 loài mới cho Vườn quốc gia Hoàng Liên và nhiều loài được ghi nhận ở những vùng phân bố/độ cao mới từ kết quả thực địa chưa được công bố chính thức trong các báo cáo khoa học…

Dù thành phần các loài động vật, thực vật ở Vườn quốc gia Hoàng Liên đa dạng nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam nhưng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Một trong những tác động lớn nhất là hoạt động sinh sống của người dân trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Nhiều người dân vẫn giữ thói quen sống dựa vào việc khai thác lâm sản, sản phẩm phụ từ rừng phục vụ nhu cầu của gia đình. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ quý, hiếm, động vật hoang dã làm cho nhiều người dân vào rừng khai thác trộm nhằm thu lợi bất chính.

Thực trạng này cho thấy, giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Hoàng Liên là giữ rừng. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, đạt độ che phủ 89% tại Vườn quốc gia Hoàng Liên không những có vai trò quan trọng về sinh thái môi trường tự nhiên ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á với ý nghĩa là một dãy núi cao nhất Đông Dương. Để giữ rừng, bên cạnh công tác tuần tra, bảo vệ, phòng chống cháy rừng thì cần thực hiện tốt các dự án phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Ổn định sinh kế cho người dân sống quanh khu vực rừng là nhiệm vụ trọng tâm được VQG Hoàng Liên triển khai. Ảnh: TP. 

Bên cạnh nhiệm vụ giữ rừng, Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, nhân giống các loại động vật, thực vật nhằm bảo tồn nguồn gen những loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm. Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng cường tuyên truyền thêm cho các đối tượng như hướng dẫn viên du lịch, người khuân vác đồ tham gia phục vụ khách du lịch, học sinh và người dân các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Nhằm tăng cường bảo vệ diện tích rừng tại khu vực đồng thời tạo sinh kế và gắn người dân vào việc quản lý rừng, Vườn quốc gia đã triển khai công tác giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, thôn, bản bằng nguồn kinh phí từ các dự án, kinh phí từ tỉnh Lào Cai và nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, Vườn đã triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái dưới các hình thức liên doanh, liên kết; cho thuê môi trường rừng, đa dạng các loại hình du lịch, tổ chức các tour, tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm; tiếp nhận, cứu hộ các loài động, thực vật hoang dã, nuôi phục hồi chức năng và thực hiện tái thả động vật hoang dã về môi trường sống tự nhiên. Mặt khác, nuôi, trồng bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu của Vườn; nghiên cứu, nhân giống các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp cảnh quan, cây dược liệu cung cấp thương mại cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu… 

Nhấn mạnh đến những nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo VQG Hoàng Liên cần tăng cường phối hợp với các đơn vị khoa học, tổ chức quốc tế, các chương trình dự án để tận dụng tối đa nguồn lực về kỹ thuật, tài chính, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển các loài động thực vật quý, hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ tại Vườn. Ngoài ra, cần nghiên cứu phát triển các mô hình sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực vùng lõi, góp phần bảo vệ, phát triển rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên bền vững và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Lê Nam

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 10/07/2023