Ngành du lịch tỉnh Long An đang hình thành các chương trình, sản phẩm du lịch mới, khác biệt như: Các tour du lịch đường sông, tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp, tour du lịch làng nghề… Các sản phẩm này đã được du khách đón nhận và phản hồi tích cực.
Long An tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút du khách - (Ảnh: Ngọc Thuỷ)
Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 2.015 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch (trực tiếp và gián tiếp); trong đó trình độ đại học và trên đại học khoảng 100 người, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 330, đào tạo sơ cấp là 600 người. Về cơ sở lưu trú du lịch: trên địa bàn tỉnh tính đến nay có 330 cơ sở lưu trú du lịch được thống kê với 5.040 phòng, trong đó có 55 khách sạn gồm 06 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao với tổng số 169 phòng, 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao với 10 phòng và 252 cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Công suất sử dụng phòng bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 53%...
Toàn tỉnh hiện có 14 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dich vụ lữ hành nội địa…
Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Long An tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đó là du lịch đường thủy sông Vàm Cỏ, du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười, du lịch vui chơi giải trí. Tỉnh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch cuối tuần, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, du lịch nông thôn, các sản phẩm du lịch bổ trợ du lịch quá cảnh, du lịch tham quan mùa nước nổi, du lịch tham quan nghiên cứu. Trong đó, ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch mang nét đặc thù và có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên theo đánh giá từ đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, do các tour du lịch hiện nay đang trong quá trình khai thác còn nhiều khó khăn ở khâu tổ chức cũng như liên hệ các điểm cho khách tham quan, đặc biệt là tàu chở khách du lịch trên sông (hiện chưa có nhà đầu tư)…
Những sản phẩm du lịch của tỉnh hứa hẹn không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương - (Ảnh: Sơn Quê)
Xác định rõ, việc phát triển các loại hình du lịch đặc thù mang tính cạnh tranh cao cần phải được tập trung triển khai thực hiện, ngành du lịch tỉnh Long An đã có định hướng các hoạt động của chương trình du lịch nông thôn, tăng khả năng phục vụ khách du lịch dài ngày. Tổ chức Chương trình Khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng sản phẩm tour du lịch nông thôn chăm sóc sức khỏe tại khu vực các huyện ven sông Vàm Cỏ Đông, Tây trong 04 ngày, trong đó tập trung khảo sát tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch nông thôn tại các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Huệ, Đức Hòa…) nhằm phát triển dòng sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ, chăm sóc sức khỏe trong ngày “Daycare” tại Long An.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh quan tâm nhiều hơn đến hoạt động du lịch, hướng tới sẽ xây dựng chương trình du lịch đặc thù từng huyện trong tỉnh, dựa vào thế mạnh của địa phương. Hiện nay Tân Trụ đã đưa vào thử nghiệm chương trình du lịch do các em học sinh giới thiệu di tích lịch sử của huyện. Các đại phương thực hiện chuyển hóa các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch để tận dụng tối đa ưu thế xuất khẩu tại chỗ cho nông sản Long An.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được coi là khâu đột phá quan trọng trong phát triển du lịch Long An nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch của địa phương. Từ năm 2022, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An đã tổ chức ký kết hợp tác với 20 trường đại học, cơ sở đào tạo ngành du lịch trong toàn quốc cùng nghiên cứu, đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho du lịch Long An, định hướng đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ưu tiên nhận sinh viên chuyên ngành du lịch đến nghiên cứu, thực tập tại các điểm đến du lịch Long An; tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng tham gia vào hoạt động quản lý điểm đến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới…/.
Hoàng Mẫn