Bình Định có nền văn hóa đặc trưng lâu đời, thể hiện qua các di tích, lễ hội. Công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc này không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa riêng mà còn đem đến những trải nghiệm mới lạ, độc đáo cho du khách khi đến với vùng đất này.
Với 119 lễ hội truyền thống đang được các địa phương duy trì tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, lan tỏa sâu rộng khắp các tỉnh, thành trong nước như lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, hay lễ hội cầu ngư của các địa phương ven biển. Bên cạnh đó, các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi như Chăm H’roi, Bana K’riem, H’rê cũng là món ăn tinh thần độc đáo không chỉ của người dân Bình Định mà cả du khách trong và ngoài nước.
Là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị nước mặn được tổ chức rất quy mô, bài bản hằng năm với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất xưa nhằm tưởng nhớ công ơn của cha, ông đã khai phá, hình thành vùng đất này. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, khoảng thời gian từ cuối tháng Giêng đến ngày 02/02 âm lịch luôn thu hút rất đông người dân và du khách khắp nơi đến tham dự.
Võ cổ truyền Bình Định đang có hàng ngàn huấn luyện viên, võ sư, đại võ sư tích cực truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh, nhờ đó phát huy, lan tỏa những tinh hoa, đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này trong cộng đồng. Qua 7 lần đăng cai tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, với sự tham dự của hàng trăm đoàn võ thuật trong và ngoài nước, hàng ngàn võ sư, võ sinh cùng nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ trao đổi đã góp phần tôn vinh, qua đó giới thiệu với bạn bè quốc tế về văn hóa và con người Bình Định.
Ngoài ra, Bình Định có hệ thống tháp cổ Chămpa mang phong cách nghệ thuật độc đáo, đa dạng gồm 8 cụm tháp với tổng số 14 tháp nằm ở các huyện như Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn.
Hiện nay, Bình Định có 143 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 107 di tích cấp tỉnh với nhiều loại hình về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Để bảo tồn, phát huy và giới thiệu đến du khách, thời gian qua Sở VHTT phối hợp với Sở Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời phân cấp cho các địa phương trong việc bảo vệ, quản lý các di sản văn hóa.
Sự kết hợp khai thác các loại hình du lịch văn hóa như du lịch biển đảo, làng nghề, lễ hội truyền thống, tham quan di tích, danh thắng sẽ đem đến sự đa dạng, mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Phan Tuấn (thực hiện)