Di tích, di sản văn hóa cần được bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng trong khi cuộc sống đương đại lại biến đổi, phát triển không ngừng. Nhận thức đầy đủ và giải quyết tốt mối quan hệ này là cơ sở quan trọng để việc bảo tồn di tích không lạc bước trước sự phát triển chung của xã hội đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển ấy.
Khách quốc tế chụp ảnh kỷ niệm tại triển lãm Lựa chọn của Grapevine, tháng 6/2023. Nguồn: vanmieu.gov.vn
Việt Nam tự hào là quốc gia có tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, một phần thể hiện qua con số hàng chục di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, di sản hỗn hợp được UNESCO ghi danh ở tầm mức thế giới và châu lục. Bên cạnh đó là hệ thống di sản văn hóa, bảo vật cấp quốc gia với con số lên đến hàng trăm và tiếp tục được bổ sung, nâng cấp, hoàn thiện.
Nhiều di tích đã bước đầu ứng dụng thành công công nghệ số trong việc cung cấp tiện ích thông tin đến công chúng đồng thời cải thiện mạnh mẽ quy trình hỗ trợ công chúng, du khách tiếp cận di tích theo nhiều cách, từ trực tiếp đến trực tuyến. Tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (TP Hà Nội), chỉ cần một cú nhấp chuột, du khách có thể có chuyến thưởng ngoạn toàn bộ khu di tích được coi là trường đại học đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam trên nền trình chiếu 3D. Trong khuôn viên di tích, thông tin cơ bản về nhiều hiện vật, cây xanh và các hạng mục kiến trúc đã được số hóa và ứng dụng mã QR-một tiện ích tra cứu thức thời.
Từ năm 2019, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội) đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử theo cách riêng của mình. Ngoài ra, những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử được đội ngũ làm công tác truyền thông của di tích kể lại bằng nhiều hình thức thể hiện sáng tạo, bắt kịp xu hướng đang thịnh hành trên mạng xã hội, đồng thời vẫn bảo đảm chuẩn mực nội dung thông tin. Ngoài ra, từ tháng 6/2021, du khách có thể tìm hiểu thông tin thêm về di tích qua kênh phát thanh chính thức trên nền tảng trực tuyến Spotify với 25 tập nội dung cơ bản. Đây là cách tiếp cận mới, góp phần khuyến khích du khách đến tận nơi để trải nghiệm.
Tiến thêm một bước trong việc mở ra các hướng tiếp cận dễ dàng hơn và hy vọng sẽ hấp dẫn công chúng hơn, một số di tích đã cân nhắc các phương án kết hợp tổ chức sự kiện nghệ thuật của hôm nay ngay tại di tích.
Khỏi phải nói đến sức hấp dẫn của sự kiện âm nhạc quốc tế Monsoon (Gió mùa) từng khuấy động hàng chục nghìn khán giả nhiều lứa tuổi, không cứ người trẻ, đến với Hoàng thành Thăng Long, bắt đầu từ năm 2014. Thông qua đó, ý thức về vẻ đẹp của di sản này trong công chúng hôm nay chắc chắn đã được làm đầy hơn. Đồng thời, việc nâng cấp chương trình tổ chức, đa dạng hóa hoạt động, tăng cường sức hấp dẫn của di sản văn hóa thế giới này cũng ngày càng được chú trọng. Đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã là địa chỉ tham quan vô cùng quen thuộc của không chỉ người dân Thủ đô mà còn của du khách thập phương, với phong phú chương trình, sự kiện được phân loại phù hợp, như các chương trình dành riêng cho khách quốc tế, khách trong nước, tour đêm, cùng đa dạng sự kiện trưng bày, triển lãm chuyên đề trong năm gắn liền với lịch sử riêng của di tích.
Từ hai năm nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám dần trở thành điểm đến mới của trưng bày thiết kế và nghệ thuật thị giác đương đại. Một mặt, Trung tâm phối hợp Ban tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week) thực hiện trưng bày kết quả của cuộc thi. Mặt khác, từ sức hút của sự kiện này với công chúng mới, trung tâm cũng tích cực mở rộng hợp tác, gia tăng sức hấp dẫn của địa điểm. Tháng 5/2023 vừa qua, Trung tâm kết hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm Tranh mầu nước Phương Nam, mang đến 105 tác phẩm tranh mầu nước của 19 họa sĩ TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian diễn ra triển lãm, một số họa sĩ có tranh trưng bày cũng đã tham gia vẽ trực họa trong khuôn viên của trung tâm, thu hút sự chú ý của khách tham quan. Tháng 6/2023, trung tâm là địa điểm trưng bày triển lãm nghệ thuật thị giác đương đại Lựa chọn của Grapevine với sáng tác đương đại của 12 nghệ sĩ trẻ trong cả nước.
Bước đi có tính đột phá của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến chúng tôi liên tưởng đến cuộc "cách mạng" về trưng bày nghệ thuật thị giác đương đại trong khuôn viên lâu đài Nijo có hơn 400 năm tuổi, ở cố đô Kyoto (Nhật Bản), năm 2017, với sự kiện Asia Corridor (Hành lang châu Á), giới thiệu sáng tác của 25 nghệ sĩ đương đại nổi tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Lâu đài này được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới tại Nhật Bản, năm 1994. Trước đó, từ năm 2005-2006, ngay tại TP Hồ Chí Minh, cũng đã có dự án đưa nghệ thuật thị giác đương đại vào trưng bày trong các hệ thống bảo tàng lịch sử địa phương, góp làn gió mới trong mở rộng phương thức tiếp cận, tương tác với ký ức lịch sử tới công chúng trong và ngoài nước hôm nay. Tuy mô hình thể nghiệm hồi đó chưa thành công song cũng là một gợi mở có ý nghĩa nhất định, đặc biệt với hôm nay, giữa một bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất.
Hy vọng rằng, những cách thức sáng tạo trong việc đưa di sản đến gần đời sống thường nhật sẽ được chính các cơ quan giữ trọng trách quản lý bảo vệ di sản ấy tiếp tục phát huy, để vừa kết nối di sản với nguồn lực tiềm năng của xã hội, vừa bảo đảm di sản, di tích vẫn luôn giữ được vị thế thiêng liêng trong lòng người dân mọi thế hệ.
Lam Nghi - Đặng Quang