Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) qua ống kính các nghệ sĩ nhiếp ảnh

Cập nhật: 18/07/2023
Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định có diện tích bảo tồn rộng hơn 7.100ha với hệ động vật phong phú, trong đó có hơn 200 loài chim; đặc biệt trong mùa chim di cư, tại đây có khoảng 40 nghìn cá thể chim được các nhà khoa học ghi nhận.

Với tình yêu thiên nhiên, nhiều nhiếp ảnh gia đã đầu tư tiền của, công sức, thời gian nhằm sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng chụp ảnh chim hoang dã tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng, sinh ra ở vùng chân sóng xã Giao Thiện (Giao Thủy) nên có điều kiện đi sâu khai thác mảng đề tài về miền quê biển. “Từ nhỏ, tôi đã được nghe cha, mẹ kể về một số loài chim vượt hàng nghìn kilomet để lưu trú tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tự hào sinh ra ở nơi “đất lành, chim đậu”, tôi đã ấp ủ giấc mơ lưu giữ những hình ảnh của các đàn chim di cư về đây bằng việc đọc nhiều tài liệu, tìm hiểu đặc tính của từng loài chim”, anh Hưng cho biết. Với các nhiếp ảnh gia, để chụp ảnh động vật thiên nhiên hoang dã, lý tưởng nhất là sử dụng các ống kính tele có tiêu cự từ 300mm đến 800mm. Trước đây, khi chưa đầu tư thiết bị “xịn”, với ống kính tele tiêu cự 70-200mm, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng phải ngụy trang để tiếp cận gần hơn với chủ thể. Anh Hưng chia sẻ: “Các loài chim về Vườn quốc gia Xuân Thủy thường rất thông minh và tinh nhạy. Để tiến gần hơn đến chủ thể, người chụp phải chuẩn bị kỹ trang phục, dùng cành cây, lá cây để ngụy trang cơ thể và máy ảnh. Cùng với đó, là chuẩn bị lương khô, dầu gió chuyên dụng để tránh côn trùng…”. Nhiều tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng thể hiện sức lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ, từ việc “mai phục” nhiều giờ liền, thậm chí ngâm mình trong nước lạnh ở rừng sú vẹt đến quyết định bấm máy “bắt” từng khoảnh khắc của bầy chim quý hiếm. Trong đó, nhiều tác phẩm về các loài chim di trú chụp tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy giúp anh giành giải thưởng tại các liên hoan ảnh nghệ thuật trong nước. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Chiều đông Vườn quốc gia Xuân Thủy”, “Tỏ tình 1”, “Tỏ tình 2”, “Cò mỏ thìa Vườn quốc gia Xuân Thủy”, “Săn mồi”, “Một góc Ramsar”, “Vườn quốc gia Xuân Thủy”… Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng, đó là vào thời điểm đầu mùa đông năm 2009, khi phát hiện có khoảng 50 cá thể chim Diệc xám và cò Mỏ thìa đang tìm thức ăn, từ khoảng cách 30m, anh nằm xuống bờ đầm chờ đợi thời cơ bấm máy. Đúng lúc này, trời bỗng đổ cơn mưa phùn. Quyết tâm có bộ ảnh đẹp, anh đã dầm mình trong nước mưa hàng tiếng đồng hồ và chấp nhận sau khi chụp phải bảo dưỡng máy ảnh. Kết quả, anh đã có hàng chục tấm ảnh ưng ý để thêm vào bộ sưu tập “Vườn quốc gia Xuân Thủy”.  Năm 2010, bộ ảnh “Vườn quốc gia Xuân Thủy” của anh được trao giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh nghệ thuật Du lịch toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Năm 2011, bộ ảnh “Cò mỏ thìa Vườn quốc gia Xuân Thủy” của anh giành giải ảnh bộ chủ đề “Rừng Việt Nam” do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tổ chức… Trải lòng về những thành công gặt hái được trong thời gian qua, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng luôn khiêm tốn tự nhận bản thân có sự may mắn song hành. May mắn khi được những nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu dìu dắt, được tham gia các trại sáng tác, các lớp tập huấn nghiệp vụ ảnh nghệ thuật, để từ đó anh có thêm những góc nhìn mới về nhiếp ảnh. Là hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hưng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, chọn ảnh và chủ đề sáng tác giúp các tay máy trẻ vững tin theo con đường nghệ thuật nhiếp ảnh thiên nhiên. 

Tác phẩm Sân chim Vườn quốc gia Xuân Thủy của NSNA Trần Hưng.

Với nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung (thành phố Nam Định) là người có tình yêu đặc biệt với các loài chim hoang dã, di cư. Ông đã dành nhiều tâm sức đầu tư trang thiết bị nhiếp ảnh hiện đại, đắt tiền để phục vụ nhu cầu chụp ảnh các loài chim ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung cho biết: “Để chụp các bức ảnh ưng ý, tôi đã sắm thiết bị máy ảnh có độ phân giải lớn, tốc độ chụp ảnh nhanh, có khả năng chống chịu thời tiết; bên cạnh đó là ống kính tele tiêu cự 150-600mm đủ để thu gần chủ thể…”. Trước mỗi chuyến đi, ngoài đồ nghề máy ảnh, ống kính, ông còn chuẩn bị lều, bạt chụp ảnh chuyên dụng để có thể chụp hàng giờ liền. Từ tâm huyết và kiến thức về chụp ảnh động vật hoang dã, ông cùng những người bạn đam mê nhiếp ảnh thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. Để tạo môi trường an toàn cho các cá thể cò trú ngụ tại đây, nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung đã làm quen với các chủ đầm, trò chuyện để họ ưu tiên môi trường sống của các loài chim; không có các hành vi xua đuổi, săn bắt các loài chim trong mùa di cư. Đồng thời, bằng những bức ảnh và những câu chuyện thực tế về các loài chim hoang dã được chia sẻ trên các diễn đàn nhiếp ảnh, ông Chung đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ môi trường sống tự nhiên của các loài chim di cư.

Một trong những tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia quan tâm đến đề tài thiên nhiên tại Vườn quốc gia Xuân Thủy để dự các cuộc thi ảnh. Vừa qua, cuộc thi ảnh về chim lần đầu tổ chức tại Việt Nam do Wildtour và BirdLife tổ chức với sự tài trợ của Canon - Công ty Lê Bảo Minh diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc thi, giải Nhất được trao cho nhiếp ảnh gia Lê Đức Hiền (Hà Nội) với tác phẩm “Giao lưu cò thìa Á - Âu” được chụp ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Anh Hiền cho biết: “Tôi chụp bức ảnh vào tháng 12-2022. Thời điểm đó nhiều nhiếp ảnh gia chụp chim di trú chia sẻ thông tin có một số cá thể Cò thìa châu Âu xuất hiện ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tôi lên đường đi tìm và may mắn gặp được chúng. Điều ấn tượng với tôi, đó là đôi Cò thìa châu Âu hết sức thân thiện với các đàn cò có mặt ở Vườn quốc gia Xuân Thủy”.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, dự án nhiếp ảnh cộng đồng về biến đổi khí hậu - Photovoice Xuân Thủy được Vườn quốc gia Xuân Thuỷ phối hợp cùng các tổ chức GreenZoom và NGO MCD (Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng) đã từng bước được triển khai hiệu quả. Tham gia dự án, người dân sử dụng nhiếp ảnh là phương tiện thể hiện những quan sát của cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu, cũng như các nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương trong bảo tồn sinh thái tự nhiên. Sau khi kết thúc dự án, có 800 bức ảnh được chụp bởi 15 đại diện từ cộng đồng và các nhiếp ảnh gia được lựa chọn sử dụng vào mục đích trưng bày, triển lãm tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn: Báo Nam Định - baonamdinh.vn - Đăng ngày 14/07/2023