Bảo vệ “bạc, vàng” ở Vườn quốc gia Côn Đảo - Bà Rịa- Vũng Tàu

Cập nhật: 24/07/2023
Từ trạm kiểm lâm trên bãi Cát Lớn, hai kiểm lâm viên leo lên chiếc ca-nô phao chòng chành qua bãi Sạn và bãi Xi-măng để kiểm tra trứng rùa biển và đưa về hồ nuôi. Vào mùa rùa đẻ, họ thức thâu đêm suốt sáng “ăn, ngủ cùng rùa”, là nòng cốt bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Thả rùa con về biển.

Có một mùa… rùa về làm tổ

Nghe một người bạn háo hức chuẩn bị hành lý cho chuyến đi “đỡ đẻ” rùa biển ở Côn Đảo, tôi nhớ lại cảm xúc cách đây đúng một năm. Dù ra đảo với một lý do khác song đã may mắn được tham gia trọn vẹn một ngày “làm rùa” - cách gọi vui của ca trực rùa lên làm ổ đẻ trứng.

Hôm đó, bữa tối ở hòn Bảy Cạnh kết thúc chóng vánh, ai nấy bảo nhau dành thời gian chợp mắt sớm để chuẩn bị đêm canh rùa đẻ. Mới hơn một giờ sáng, các kiểm lâm viên đã nai nịt gọn gàng, chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc ra bãi Cát Lớn. Rùa nếu nghe tiếng động sẽ không dám lên đào hố đẻ, nên mọi hoạt động diễn ra trong yên lặng.

Ở Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo, các kiểm lâm viên là lực lượng trực tiếp phụ trách theo dõi, thống kê và di dời các ổ trứng rùa lên bãi ấp, một công việc đòi hỏi vô cùng tỉ mỉ, nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe để bảo đảm trứng rùa nở trong điều kiện tốt nhất. “Thế nên phải canh ở các bãi cát từ nửa đêm, trứng rùa trong vòng sáu tiếng đầu phải đưa về hồ nuôi”, anh Ngọc, kiểm lâm viên quê ở Tây Ninh khẽ khàng giải thích.

Lúc đầu chưa có nhiều rùa lên bãi, vẫn có thể ngồi đếm từng ổ, từng ổ. Thế rồi, theo con nước chúng lên bờ ngày một nhiều hơn, dồn dập hết con này tới con khác, chỉ có ba người xoay xở với số lượng ổ ngày một nhiều lên và trải dài khắp bãi Cát Lớn dài độ 2 km. Vào mùa cao điểm trong tháng 7, 8 và thậm chí suốt mùa rùa về bãi đẻ trứng (từ tháng 4 đến tháng 11), đêm nào kiểm lâm cũng luôn trong trạng thái “trực chiến” sẵn sàng vừa bảo vệ rùa đẻ, vừa thống kê số lượng trứng, lượng rùa về bãi, kiểm tra, đánh dấu số trên thẻ bấm để lưu lại; đồng thời đưa trứng về hồ nuôi.

Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa cao điểm của rùa biển đẻ trứng, Ban quản lý VQG Côn Đảo luôn trong tình trạng thiếu nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn rùa biển. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi đỡ vất vả cho kiểm lâm viên, còn khi có gió, bão… họ phải ở lại đảo nhỏ vài ngày chờ tàu ra. Ở Trạm Bảy Cạnh không có sóng điện thoại, muốn gọi về nhà phải đi ra “chòi canh sóng” để “bắt sóng” gọi về nhà hoặc nghe tin tức.

Sáng sớm, anh Ngọc và đồng nghiệp đi ca-nô chòng chành từ bãi Cát Lớn vòng qua vách đá để sang bãi Xi-măng, bãi Sạn. Ngoài làm “ông đỡ” thì vẫn phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra liên tục. Mở cuốn sổ ghi chép số liệu hằng ngày, anh cẩn thận ghi lại số trứng trong ổ vừa thu về hôm nay. Rùa con mới nở phải được thả về biển trước 8 giờ sáng, nên sau ca trực cả đêm thì sáng ra các anh vội vã lên kiểm tra hồ nuôi cho kịp. Một lúc sau, anh mang xuống mấy chiếc giỏ đầy rùa non mới nở hiếu động. “Từ hồi dịch Covid-19 đến giờ, rùa mẹ về đẻ nhiều hơn. Trước có nhà khoa học nói nó bơi vòng vòng ở vùng biển này nếu thấy an toàn mới vào. Mong rằng rùa sinh ra ở Côn Đảo càng nhiều thì đến tuổi trưởng thành sau nó quay trở lại đây nhiều hơn”, câu chuyện về “những con rùa mang quốc tịch Việt Nam” trở nên sôi nổi, thoáng chút tự hào.

Việc buổi sáng mãi chưa kết thúc, các anh lại tiếp tục đi một vòng vệ sinh, khảo sát, thu gom rác trên bãi để tối nay đón tiếp đợt rùa mẹ vào làm tổ. Bữa trưa hôm đó cũng ăn trong chóng vánh, cơm chan nước mưa do hoàn lưu bão tạt vào tận trong gian bếp ướt nhẹp. Mưa ngoài đảo cuồng nộ là vậy, rồi lại nhanh chóng qua đi. Đến đầu giờ chiều, trời quang mây tạnh lại thấy họ đang chuẩn bị cọc, bảng đánh dấu tổ rùa và vệ sinh hồ ấp trứng.

Đa dạng sinh học là tài sản chung

Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh hiện giữ kỷ lục có số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất ở Côn Đảo trong số những bãi rùa lên đẻ trứng hằng năm. Côn Đảo lại là nơi rùa biển làm tổ nhiều nhất Việt Nam, theo số liệu cho thấy cứ mười con rùa trở về sinh nở ở Việt Nam thì có tới chín con chọn các bãi cát ở Côn Đảo. Để bảo đảm không gian cho rùa đẻ trứng, VQG quy định giới hạn không quá 50 người trên đảo nhỏ một đêm, khi tham gia hoạt động xem rùa đẻ du khách phải tuân thủ hướng dẫn của kiểm lâm, không sử dụng ánh sáng trắng, không gây tiếng ồn khi xem rùa đẻ...

Bên cạnh bãi Cát Lớn hòn Bảy Cạnh còn các bãi Cát Lớn hòn Cau, bãi Cát Lớn hòn Tre Lớn, bãi cát Hòn Tài… là các bãi đẻ của rùa có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều. Năm bãi lớn được bố trí năm Trạm kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển. Mỗi Trạm kiểm lâm có từ ba đến tám kiểm lâm viên. Hằng năm từ tháng 4 đến tháng 11 có trên 600 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc VQG Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng, ước tính có trên 150 nghìn rùa con được cứu hộ và thả về biển, tỷ lệ trứng nở thành công đạt đến 80-90%.

VQG Côn Đảo còn là khu Ramsar biển - đảo đầu tiên của nước ta. Các nhà khoa học đánh giá VQG với hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Trong những năm trở lại đây, Côn Đảo bắt đầu phát triển các tour du lịch sinh thái và nhanh chóng hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Những giá trị đặc sắc về cảnh quan của thiên nhiên và hệ sinh thái độc đáo được xem là “tài sản” chung không gì đánh đổi được của Côn Đảo.

Sự phát triển du lịch đã tác động tích cực tới Côn Đảo, từ sự thay đổi cơ sở vật chất đến mức sống người dân. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng cũng đặt ra cho Côn Đảo nhiều thách thức, trong đó vấn đề lớn nhất là bảo tồn được hệ sinh thái có giá trị. Khách du lịch gia tăng cũng kéo theo tài nguyên trên đảo đang phải chịu nhiều áp lực. Theo Hạt Kiểm lâm VQG Côn Đảo, vẫn còn các hoạt động đánh bắt trái phép như xẻ thịt, mổ lấy trứng rùa, sử dụng cào, kích… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của rùa biển; ô nhiễm môi trường do rác thải từ đại dương từ các hoạt động đánh bắt thủy sản, những chiếc lưới, dụng cụ đánh bắt hỏng bị vứt đi hoặc rơi xuống biển làm rùa biển bị mắc lưới dẫn đến chết, đồng thời cũng làm ô nhiễm bãi đẻ của rùa biển. Rừng ngập mặn trên hòn Bảy Cạnh, cũng là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam, cũng đang chịu áp lực từ rác đại dương.

Chị Huỳnh Thị Bích Vân (Công ty du lịch Ngọn Hải Đăng Côn Đảo) cho biết hoạt động tham quan, bảo tồn rùa đẻ rất được khách du lịch quan tâm. Mặc dù vậy, du khách tới đảo đông nhưng phần lớn vẫn là khách du lịch tâm linh, nhiều người chưa biết đến những giá trị, vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên của Côn Đảo. “Hiện ở Côn Đảo có rất nhiều các hoạt động bảo vệ môi trường do cá nhân hoặc các tổ chức thực hiện. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chính là bảo vệ tài sản của Côn Đảo và người dân nơi đây. Tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng có kế hoạch rõ ràng sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thế nào, công khai các dự án xây dựng và các công trình có thể gây ảnh hưởng môi trường sinh thái chung của đảo”.

Ngoài các tour du lịch tâm linh truyền thống, nhiều cơ sở lữ hành ở Côn Đảo đã và đang triển khai các tuyến du lịch sinh thái đường rừng như tham quan vịnh Đầm Tre, leo núi tham quan Sở Rẫy hay lặn ngắm biển… những hoạt động này đều kết hợp giới thiệu các cảnh đẹp thiên nhiên và đặc biệt là ưu tiên sử dụng xe đạp, đi bộ, sử dụng đồ tái chế và khuyến khích bảo vệ sinh cảnh.

Trên thế giới, việc bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được chú ý. Sử dụng khôn khéo, giảm tỷ trọng bê-tông hóa và bảo đảm đa dạng sinh học đang là định hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, quy hoạch đô thị ở các vùng bảo tồn thiên nhiên, vừa có thể bảo tồn vừa phát triển kinh tế là lựa chọn thông minh, nhưng khó thực hiện. Suốt nhiều năm nay, hài hòa mong muốn và nhu cầu giữa nhà hoạch định chính sách, người thực thi pháp luật, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương luôn là then chốt trong công tác bảo tồn.

Dự báo đến năm 2030, lượng khách du lịch dự kiến đến Côn Đảo khoảng 350 nghìn lượt/năm. Tháng 4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn: “Phát triển Côn Đảo thuận tự nhiên - Carbon thấp, hướng đến là điểm du lịch bền vững đẳng cấp thế giới”. Dự án sẽ được thực hiện với tổng kinh phí dự toán hơn 647 tỷ đồng, trong đó có 81% là chi ngân sách và 19% từ vốn xã hội hóa.

Bài và ảnh: Thanh Tâm

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 21/07/2023