Quảng Nam: Cân nhắc phát triển du lịch đại trà

Cập nhật: 24/07/2023
Kỳ vọng lan tỏa không gian du lịch Quảng Nam để phục vụ đa mục tiêu đã được định hình rõ từ lâu nhưng cần cân nhắc, đánh giá tổng thể lựa chọn những không gian, điểm đến khả thi để phát triển du lịch bền vững.

Không gian làng cổ Lộc Yên yên ắng quanh năm sau khi hội làng kết thúc. Ảnh: Q.T

Nhạt nhòa yếu tố “du lịch” ở những ngày hội

Cùng với đà phục hồi ngành du lịch, liên tục từ đầu năm đến nay đã có nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa - du lịch trải khắp các địa phương. Sôi động nhất là Tam Kỳ từ lễ hội mùa hoa sưa (tháng 4/2023) đến ngày hội văn hóa thể thao du lịch biển (6/2023) và mới nhất là tuần lễ du lịch trải nghiệm Sông Đầm và địa đạo Kỳ Anh (7/2023).

Tại các địa phương khác cũng đã và sắp diễn ra nhiều sự kiện dạng này có thể kể đến như: Festival biển Hội An - cảm xúc mùa hè, lễ hội văn hóa thể thao miền biển Thăng Bình, hội làng Lộc Yên (Tiên Phước), ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình (Nông Sơn), lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi…

Ý nghĩa, sự cần thiết của các sự kiện này đối với đời sống tinh thần của cư dân địa phương cũng như cơ hội gìn giữ, phát huy các giá trị bản địa là không thể phủ nhận. Dù vậy, xét đơn thuần về khía cạnh du lịch thì các sự kiện “đến hẹn lại lên” chưa thể làm thỏa mãn du khách cũng như tạo ra sức bật để điểm đến đón khách đều đặn, bền vững.

Hội An với lợi thế rất lớn về việc luôn có đông đảo lượng du khách tham quan, lưu trú dẫn đến việc luôn duy trì lượng khách ổn định trong năm kể cả khi không tổ chức hoạt động, sự kiện.

Tuy nhiên ở các địa phương khác, một thực trạng thường thấy là hình ảnh du khách chen chúc tại điểm đến trong thời gian diễn ra lễ hội, sự kiện dẫn đến các trải nghiệm không trọn vẹn, thậm chí có cảm nhận không thoải mái về không gian điểm đến. Nhưng nghịch lý là cũng chính các điểm đến này chóng vánh rơi vào cảnh đìu hiu ở các khoảng thời gian còn lại trong năm.

Đơn cử như hội làng Lộc Yên diễn ra vào cuối tháng 3/2023 đã đón 30 nghìn lượt khách (thống kê của địa phương) nhưng doanh thu chỉ đạt 500 triệu đồng từ nguồn bán sản phẩm của các đơn vị tham gia hội làng. Và tất nhiên sau đó điểm đến này lại rơi vào trạng thái yên ắng.

Phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) huyện Tiên Phước nhìn nhận, lâu nay ở làng cổ Lộc Yên vẫn chưa thể tổ chức đón khách, hướng dẫn bài bản, đúng nghĩa. Hầu hết khách đến đây đi theo dạng tự phát dẫn đến hệ lụy ô nhiễm môi trường, nguồn thu không có khiến người dân không mặn mà đầu tư, gắn bó với hoạt động du lịch.

Cân nhắc phát triển du lịch đại trà

Theo kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 được ban hành vào cuối năm 2022, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 là mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn xây dựng ít nhất 1 sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Ngoài ra, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp.

Dù vậy, việc đánh giá khái niệm địa phương có “tiềm năng và thế mạnh” về du lịch nông nghiệp nông thôn rất mơ hồ. Nếu căn cứ trên số lượng tài nguyên du lịch (Quảng Nam có 125 tài nguyên du lịch) thì gần như địa phương nào cũng sẽ được đánh giá là có tiềm năng và thế mạnh.

Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã nhiều lần khẳng định, muốn phát triển điểm đến bền vững cần phải có khảo sát đánh giá xã hội học toàn diện và cần có tham vấn của phía chuyên gia, doanh nghiệp ngay từ đầu để đưa ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp với nguồn lực, đặc trưng điểm đến.

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 12 vừa qua, ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho rằng, du lịch không thể làm cho vui, không thể “mạnh ai nấy bơi”, chỗ nào cũng làm được. Tiên Phước lâu nay cũng làm du lịch nhưng vẫn chưa đến đâu. Cần phải xác định rõ, “con đường du lịch” Quảng Nam sẽ ra sao, địa phương nào có đủ điều kiện, năng lực để làm du lịch. Chỗ nào hiệu quả thì đầu tư phát triển, không hiệu quả thì nên dừng lại.

Mở rộng không gian du lịch ra ngoài Hội An và Mỹ Sơn - về phía nam và phía tây là chủ trương đúng đắn như nội dung của Nghị quyết 08 năm 2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định. Dẫu vậy cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể, thực chất về khả năng phát triển du lịch của mạng lưới các điểm đến trên địa bàn tỉnh, tránh phát triển, đầu tư dàn trải nhưng chưa thu được hiệu quả như kỳ vọng trong thời gian qua.

Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 23/07/2023