Khai thác tiềm năng du lịch Tây Nguyên

Cập nhật: 03/08/2023
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng về vị trí địa lý, vị trí kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; về các điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa...

Nói một cách khái quát, với tiềm năng sẵn có, Tây Nguyên có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng và văn hóa Việt Nam, có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; tiếp giáp với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống giao thông khá phát triển với 3 cảng hàng không (Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku), với tuyến đường Hồ Chí Minh, các Quốc lộ 14C, 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29... và các tuyến cao tốc đang khởi động, Tây Nguyên hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với cả nước và quốc tế.

Đáng chú ý, vùng Tây Nguyên có tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái rất đặc sắc, đa dạng và phong phú như: Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với giá trị đa dạng sinh học cao; khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; hệ thống thác nước hùng vĩ; khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm; nhiều thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo (miệng núi lửa, các cao nguyên, hồ trên núi...).

Cùng với đó, Tây Nguyên có 49 dân tộc anh em, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số tại chỗ. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa khác nhau như phong tục tập quán, nếp sống, kiến trúc nhà ở, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa văn nghệ dân gian. Đó là những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng cần được khôi phục, bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Đáng chú ý, một số nhóm loại hình, sản phẩm du lịch mà chỉ Tây Nguyên mới có như: Không gian đặc trưng của các buôn làng, các giá trị kiến trúc nghệ thuật như nhà rông - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà dài - đặc trưng kiến trúc cư trú, nhà mồ và nghệ thuật tượng nhà mồ; kho tàng âm nhạc hết sức phong phú và độc đáo với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch sinh thái tiêu biểu của vùng như thám hiểm, nghiên cứu các hệ sinh thái vườn quốc gia, hang động, núi lửa; du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường; du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch trang trại (Farmstay); du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi…

Những giá trị, tài nguyên đặc sắc này nếu được khai thác, phát triển sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo cho Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên thương hiệu và hình ảnh cho du lịch Tây Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Uông Thái Biểu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 02/08/2023