Di sản đô thị, về một phương diện nào đó, là di tích, song về cơ bản vẫn là những thực thể “sống”. Duy trì lâu bền những hạt nhân di sản bảo đảm cho mỗi đô thị vẫn phát triển mà không nghèo đi bản sắc. Di sản đô thị không chỉ cần được bảo tồn, duy trì mà cần được tiếp tục sử dụng, tiếp tục phát triển tiếp nối.
Nhiều biệt thự cũ đang xuống cấp, cần tu bổ kịp thời.
Di sản đô thị là một cấu trúc đã hình thành trong một hoặc nhiều thời kỳ lịch sử của đô thị, có giá trị về vật chất và các giá trị khác: lịch sử, văn hóa - nhân văn, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan… Di sản đô thị không chỉ là các công trình kiến trúc hiện hữu mà còn mang trong nó di sản “văn hóa đô thị”, nếu nhìn vào phạm vi hẹp hơn là “lối sống thành thị”. Cả hai yếu tố di sản vật chất và tinh thần đó là những sản phẩm của lịch sử phát triển mỗi đô thị, gắn kết chặt chẽ với nhau như trong cơ thể sống.
Nhìn từ một sự “đứt gãy”
Những công trình kiến trúc Pháp đã “sống” trong lịch sử và đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử, văn hóa Hà Nội. Nó đã trở thành di sản văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị. Nhiều trong số những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội được biết đến như những di tích lịch sử - cách mạng cấp quốc gia và Thủ đô. Nhiều công trình kiến trúc Pháp khác vẫn mang giá trị kiến trúc - nghệ thuật và giá trị sử dụng cao cho đến ngày nay, đặc biệt là các tòa nhà trụ sở các cơ quan lớn (Phủ Chủ tịch, Bộ Ngoại giao, Nhà khách Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thể dục thể thao…).
Nhưng ngoài số những công trình tiêu biểu ít ỏi đó, những năm gần đây, “Khu phố Pháp” ở Hà Nội có nhiều thay đổi. Yếu tố di sản ngày càng mong manh trước cuộc sống đương đại. Bên cạnh sự xuống cấp của kết cấu xây dựng, các biệt thự cũ được sử dụng vào những mục đích mới. Người ta phá và sửa những phần tiếp giáp với đường phố cho mục đích kinh doanh. Khu sân - vườn của các biệt thự biến thành các cửa hàng, quán ăn, quán cà-phê. Nhiều ngôi biệt thự bị phá hoàn toàn để xây những building hiện đại. Số lượng biệt thự cũ ngày càng giảm vì quá trình phá dỡ, cải tạo vẫn đang tiếp tục.
Các di sản kiến trúc cũ chỉ có thể chịu đựng đến một giới hạn nhất định sự “chồng lớp” theo thời gian của cư dân sống trong đó. Vượt quá giới hạn đó, kiến trúc cũ sẽ bị phá vỡ do nhu cầu nội tại của những chủ sở hữu. Việc bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích, di sản... luôn được hô hào nhưng những khẩu hiệu đang “vật lộn” trong mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ở tất cả những nơi “được” kêu gọi, sự tàn phá (văn hóa) thậm chí còn diễn ra nhanh hơn. Có thể nhìn rõ câu chuyện đó trong khu phố Pháp ở Hà Nội - câu chuyện của sự “đứt gãy” trong bảo tồn di sản đô thị nói riêng và sự “vênh” giữa bảo tồn và phát triển nói chung.
Phát triển tiếp nối để bảo tồn các di sản đô thị
Đặt mục tiêu là bảo tồn (tức là giữ nguyên như đối với di tích) những di sản đô thị là một việc phi thực tế và bất khả thi. Điều này chỉ có thể đặt ra với những di sản đô thị đã chết. Chúng là đối tượng của khảo cổ học, như những vết tích thành Pompei thời La Mã cổ đại chẳng hạn. Khác với những di tích “chết” (di chỉ khảo cổ, di (phế) tích kiến trúc, di sản tư liệu...) những di sản đô thị vẫn “sống”, vẫn có sự hiện diện của con người trong đó và hằng ngày, hằng giờ chịu tác động từ con người. Ý tưởng duy ý chí “di tích hóa” môi trường sống của cư dân là điều không thể thực hiện. Mặt khác còn cần nhìn nhận di sản đô thị từ những tiếp cận văn hóa - nhân văn như sự đồng thuận và hỗ trợ cho việc bảo tồn di sản kiến trúc.
Theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: “Để giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn, chúng ta cần bổ sung vào khái niệm phát triển cụm từ “phát triển trong sự tiếp nối”. Sự tiếp nối chính là cầu nối giữa bảo tồn và phát triển. Tiếp nối chính là sự bảo đảm dòng chảy tự nhiên của lịch sử phát triển đô thị”. Quan điểm phát triển tiếp nối xuất phát từ những nhận thức: Di sản đô thị là một loại tài nguyên văn hóa, sau tài nguyên thiên nhiên; Di sản đô thị không cản trở, mà là động lực cho phát triển và Di sản đô thị không phải là di tích.
Cũng theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Trong bảo tồn và phát triển tiếp nối các di sản kiến trúc đô thị cần nhiều giải pháp. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, các nhà chuyên môn cần cung cấp cho người dân những hiểu biết về giá trị của di sản của mình, làm cho họ hiểu rõ nhu cầu bảo tồn di sản với tư cách một động lực phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Chính quyền cần thực hiện sắp xếp và điều chỉnh cơ cấu dân cư, giảm bớt mật độ dân số, khuyến khích người dân duy trì, giữ gìn nét đẹp kiến trúc của căn biệt thự, duy trì truyền thống sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng ở đó.
Chìa khóa để giải quyết những vấn đề đang đặt ra chính là sự nhận thức và thực hiện phương châm bảo tồn di sản đô thị trong sự phát triển tiếp nối vừa mang tính thực tế, vừa có tính khả thi. Theo hướng này, biệt thự ở 49 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) được phục hồi từ tháng 4/2022, là công trình thuộc dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp được thành phố Hà Nội hợp tác với vùng Ile-de-France (Pháp) tiến hành. Từ đó, kỳ vọng sẽ thúc đẩy tích cực hơn công tác bảo tồn biệt thự trong tương lai.
Hầu hết các đô thị và các cấu trúc đô thị ở Việt Nam đều có những di sản đô thị hoặc những nhân tố di sản. Nhưng hiện đại hóa đang nhanh chóng xóa nhòa những nét độc đáo của di sản.
Ngô Vương Anh