Hà Giang: Di sản văn hóa dân tộc Dao trong phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 08/08/2023
Những năm gần đây, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân tộc Dao đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng và địa phương.

Người Dao ở Hà Giang chiếm 14,29% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu ở các huyện: Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê, Bắc Quang, Quang Bình, Yên Minh. Người Dao ở Hà Giang có 4 nhánh gồm: Dao Áo Dài, Dao Đại Bản, Dao Tiểu Bản và Dao Quần Trắng. Là dân tộc định cư ở Hà Giang lâu đời và sống thành làng bản nên người Dao vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, thông qua tiếng nói, trang phục, lễ hội truyền thống, tập quán tín ngưỡng.

Trò chơi Vật chày trong Lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ Hoàng Su Phì.

Đặc biệt, người Dao có nhiều lễ hội độc đáo với các trò chơi dân gian mang màu sắc tâm linh huyền bí, trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch. Điển hình là Lễ hội Bàn Vương, được tổ chức nhằm thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, Tổ tiên; cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và giáo dục con cháu về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Sau khi kết thúc phần lễ cúng, phần hội trong Lễ cúng Bàn Vương luôn là phần được mong chờ nhất. Người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi mang đậm màu sắc huyền bí là Nhảy lửa và Vật chày. Đồng thời, được thưởng thức điệu múa “Bắt Rùa” với các âm thanh sôi động, tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao. Ngoài ra, người Dao còn có Lễ Cấp sắc, Lễ Cúng cơm mới, Lễ Cầu mưa, Cầu phúc, Cầu lộc... trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo thu hút du khách.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dưới sự định hướng và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng người Dao ở các huyện, thành phố đã mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các Làng văn hóa du lịch, đầu tư dịch vụ Homestay để phục vụ du khách. Một số thôn người Dao đã trở thành Làng văn hóa du lịch tiêu biểu của tỉnh, điển hình có thể kể đến: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ).

Là một trong những điểm du lịch thu hút khách nhiều nhất của huyện Hoàng Su Phì, đến nay hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên ngày càng bài bản, chuyên nghiệp với các dịch vụ như nghỉ dưỡng, tắm lá thuốc người Dao, vận chuyển, phiên dịch, hướng dẫn viên, dịch vụ văn hóa - văn nghệ. Hiện thôn có 11 gia đình cải tạo, nâng cấp nhà ở theo kiến trúc của dân tộc Dao để làm dịch vụ Homestay; 6 điểm sinh thái nghỉ dưỡng theo hình thức Bungalows; 4 nhà hàng ăn uống; 1 đội văn nghệ 14 thành viên là diễn viên, nghệ nhân trong thôn đã được tập huấn; dịch vụ bán sản phẩm địa phương; dịch vụ hướng dẫn với 4 hướng dẫn viên địa phương đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp thẻ hành nghề, 2 phiên dịch tiếng Anh…

Anh Triệu Mềnh Kinh, HTX Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng cho biết: Từ khi thành lập HTX, chúng tôi luôn nung nấu ý tưởng khai thác sâu giá trị văn hóa độc đáo của người Dao làm điểm nhấn để thu hút du khách. Những ngôi nhà Homestay và những căn Bungalow đều được thiết kế theo kiến trúc truyền thống của dân tộc Dao. Người dân trong thôn 100% đều mặc trang phục truyền thống. Khi du khách đến thôn sẽ được trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao, thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của dân tộc và những làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi đậm đà bản sắc. Chính nét văn hóa độc đáo đã trở thành sản phẩm du lịch riêng có của Nậm Hồng, thu hút sự quan tâm của du khách thập phương.

Mặc dù di sản văn hóa dân tộc Dao rất tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác để phát triển du lịch ở các địa phương hiện nay chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở các thôn, cộng đồng người Dao sinh sống nhìn chung còn mang tính tự phát, hạn chế về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Nhận thức của một bộ phận người dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch còn hạn chế. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn hiện vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cũng tác động tiêu cực đến môi trường, sự mai một của các yếu tố văn hóa truyền thống, việc hưởng lợi từ hoạt động du lịch của người dân địa phương còn ít... cũng là những vấn đề đặt ra, cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành; góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch một cách bền vững.

Bài, ảnh: Yên Hoa

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 07/8/2023