Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn các loại hình du lịch trải nghiệm tự nhiên. Và tài nguyên, cảnh quan cùng nhiều điều bí ẩn của núi rừng trở thành nguyên liệu đáng giá để mời gọi du khách khám phá.
Tài nguyên, cảnh quan cùng nhiều điều bí ẩn từ phía núi rừng trở thành nguyên liệu đáng giá để mời gọi du khách khám phá. Ảnh: H.S
“Mang về bức ảnh, để lại dấu chân”
Từ giữa năm 2022, một hành trình du lịch 2 ngày - 1 đêm qua Đông Giang - Tây Giang đã ra đời và lôi cuốn du khách. Sản phẩm này do Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) cùng với HoiAn Express và Paper bags tours phối hợp tổ chức.
Điểm nhấn đáng chú ý trên hành trình là du khách được trekking khoảng 7km qua khu rừng pơmu nguyên sinh ở xã A Xan (Tây Giang). Những bụi hoa, giò lan rừng hay động vật hoang dã thi thoảng xuất hiện khiến nhiều du khách ồ lên thích thú xen lẫn cảm giác hồi hộp khi khám phá.
Điều tuyệt vời hơn là với định hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường, đoàn du khách đã “không lấy đi gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Bà Phạm Quế Anh - Giám đốc HoiAn Express, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ, vùng cao Quảng Nam có rất nhiều cảnh quan đặc sắc mà chính những người khai thác du lịch lâu năm cũng chưa thể khám phá hết.
Như mới đây tại chuyến famtrip du lịch Bắc Trà My, những người làm du lịch nhận thấy ở đây có nhiều cung đường với cảnh quan rất “xanh” và di chuyển không quá trắc trở, có triển vọng để đưa vào khai thác các tour tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Một chuyến trekking khám phá rừng pơmu di sản ở Tây Giang. Ảnh: H.S
Thực tế, trên nhiều nẻo vùng cao Quảng Nam vẫn còn những điểm đến giữ được gần như nguyên bản vẻ đẹp của đại ngàn. Thôn Aur (xã A Vương, Tây Giang) là một điển hình.
Để đến làng du này, khách sẽ đi bộ qua cung đường 15km, dọc theo bờ sông Mơ Răng với con nước trong veo. Trong lòng sông suối có nhiều thác ghềnh, cá ốc, rau cỏ. Dừng chân cắm trại ở bãi Âm Bang nằm lọt thỏm giữa thung lũng với những thảm cỏ đẹp như thảo nguyên cũng là trải nghiệm tuyệt vời.
Theo nghiên cứu của Expedia Group về thị trường du lịch châu Âu được chia sẻ tại một hội thảo về phát triển du lịch xanh Quảng Nam, có 41% du khách bày tỏ mong muốn được trải nghiệm ở các điểm đến nhỏ, khu vực còn hoang sơ ít người biết đến và xu thế này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
“Phượt có trách nhiệm”, dòng khách tiềm năng
Cảnh quan vùng cao Quảng Nam, trong đó có rừng nói chung, rừng nguyên sinh nói riêng có giá trị đặc sắc tiềm năng lớn gắn với khai thác du lịch là điều không bàn cãi. Nhưng để cụ thể hóa được sản phẩm du lịch tiếp thị đến du khách là câu chuyện lắm gian nan. Vướng mắc về kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, không có đầu mối ở địa phương định giá, thiết kế sản phẩm… vẫn là những khó khăn quen thuộc.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang thông tin, Tây Giang đã có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch để từng bước đầu tư hạ tầng. Tùy theo các tuyến khám phá huyện cũng dần tính các điểm dừng chân tiếp sức cho du khách. Tuy nhiên ở các xã biên giới hiện có quy định chặt chẽ với người nước ngoài nên cũng không dễ để khai thác du lịch quốc tế tại đây.
Theo đại diện CLB Điểm đến Quảng Nam - gìn giữ giá trị bản địa (thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam), CLB có thành viên tham gia làm tour xuyên Việt nên biết rất rõ, trung bình khách nước ngoài đi tour này sẽ ở khoảng 12 đêm, dài hơn thì 15 đêm, còn người với những người đam mê trải nghiệm sẽ lưu lại khoảng 21 - 28 đêm. Làm sao để khách chấp nhận rời bỏ các điểm đến phổ thông, nổi tiếng để khám phá các khu vực hoang sơ là điều không dễ dàng.
Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An cho rằng, khách “phượt có trách nhiệm” sẽ là dòng khách tiềm năng lớn và cần có giải pháp thúc đẩy để mời gọi các hội, nhóm phượt đến với vùng cao Quảng Nam nhiều hơn.
Với đam mê hòa mình vào thiên nhiên, dòng khách này sẽ dễ chấp nhận những điểm yếu về cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương; nếu sản phẩm du lịch được đánh giá tốt họ cũng là người giúp lan tỏa, quảng bá thông tin điểm đến rất hữu hiệu.
Hà Sấu