Để góp phần bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống, người Xơ Đăng ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) tích cực nghiên cứu chế tác và lưu giữ nhạc cụ dân tộc; đồng thời, trao truyền vốn văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Vào buổi chiều mưa tầm tã, chúng tôi đến nhà ông A Tủi (ở khối phố 5, thị trấn Đăk Tô) bắt gặp hình ảnh ông đang say sưa đánh đàn ting ning và cùng lời hát ngân vang lúc trầm, lúc bổng. Tiếng đàn ting ning của ông A Tủi ngân lên đem lại cho chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc, như được sống trong không gian của lễ hội.
Thấy chúng tôi bước đến, ông A Tủi dừng đàn và vui vẻ giới thiệu những nhạc cụ truyền thống mà bản thân ông đã làm ra. Vừa cho chúng tôi xem, ông vừa kể, từ thuở nhỏ, ông đã đam mê tiếng đàn, các nhạc cụ cổ truyền của đồng bào Xơ Đăng. Tâm hồn trẻ thơ của ông luôn bay bổng theo giai điệu thánh thót của những tiếng đàn trong mùa lễ hội. Ông may mắn được những nghệ nhân trong làng hồi xưa chỉ dạy, nên mới 15 tuổi, ông đã thành thạo chế tác đàn ting ning và đàn t’rưng.
Các nghệ nhân ở thị trấn Đăk Tô đều tâm huyết và mong muốn lưu giữ nhạc cụ truyền thống. Ảnh: NS
“Để làm ra cây đàn đẹp, âm thanh đạt chuẩn thì không đơn giản. Ngày xưa, người già làm một cây đàn t'rưng phải mất cả mấy tháng trời mới xong. Tre, nứa chặt từ rừng già phải luộc phơi giàn bếp từ 3-4 năm mới có thể mang lên để làm đàn. Giờ những công đoạn đó đơn giản hơn, để làm đàn t’rưng, k’lông pút, chỉ mất từ 2-3 tuần là xong”-ông A Tủi cho biết.
Ở khối phố 3, ông A Bang cũng chơi và chế tác nhạc cụ truyền thống có tiếng cả vùng. Vừa tỉ mỉ ngồi vót những thanh nứa, ông A Bang vừa chia sẻ: Người nghệ nhân phải luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết của mỗi nhạc cụ làm ra, đặc biệt là khâu chọn nguyên liệu tre, nứa. Mỗi lần đi chặt tre, nứa là đi gần cả hàng chục cây số. Nứa là phải chọn cây thẳng, từ 3 năm tuổi trở lên, thân không bị sâu, không bị nứt, không quá non, cũng đừng quá già. Còn để làm đàn đá, phải đi mòn theo những dòng suối chọn hòn đá có âm vang tốt, sau đó là đẽo, đục và mài để đạt âm thanh chuẩn nhất.
Theo ông A Bang, khi làm một cây đàn, ống nứa phải lấy loại không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm. Đặc biệt, với đàn ting ning, quả bầu phải là giống bầu truyền thống do nhà trồng để có độ to, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên.
Anh A Huyền cùng ông A Bang đang chơi đàn t’rưng mới hoàn thành. Ảnh: N.S
Cùng ở khối phố 3 (thị trấn Đăk Tô), anh A Huyền có tiếng là người trẻ chơi nhạc cụ giỏi và chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Những ngày thơ ấu, anh Huyền được nghe người lớn tuổi hòa tấu nhạc cụ dân tộc rồi đam mê lúc nào không hay. Giai điệu cồng chiêng hay đàn t’rưng, đàn k’lông pút trong những lễ hội làm anh mê say. Từ đam mê đó, anh Huyền đã theo học chuyên ngành đàn t’rưng tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Huyền chọn về địa phương để theo đuổi đam mê chơi và chế tác nhạc cụ, với mong muốn lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
“Năm 2014, tôi đã tìm tòi và chế tác thành công đàn t’rưng của dân tộc. Thời điểm đó làm rất khó khăn, tôi phải mất nhiều tháng tìm nguyên liệu, rồi chỉnh âm sao cho đúng nhất. Bên cạnh đó, tôi còn tìm đến các nghệ nhân chế tác nhạc cụ ở huyện để học hỏi, từ đó tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện đàn t’rưng của mình trong vòng hơn 2 tháng”- anh A Huyền cho hay.
Hiện nay, anh A Huyền chế tác thành công một số loại nhạc cụ như đàn t’rưng, đàn đá, đàn k’lông pút. Mỗi năm, anh làm ra hàng chục loại nhạc cụ để bán cho những người đam mê chơi, các bảo tàng và sự kiện cần nhạc cụ truyền thống. Từ đầu năm đến nay, anh đã chế tác hơn 10 chiếc đàn t’rưng (đàn t’rưng dân gian và t’rưng hiện đại). Bên cạnh đó, anh còn mang những nhạc cụ chính tay mình làm ra để biểu diễn ở các chương trình, hội thi trên cả nước.
Để nhạc cụ truyền thống được lưu truyền, không bị mai một theo thời gian, anh A Huyền cùng ông A Bang đã tích cực truyền dạy cho con cháu của mình. Những tiết học về nhạc cụ dân tộc có thể diễn ra ngay trong căn bếp chật hẹp, ở ngoài hành lang hoặc bên hiên nhà, thế nhưng, đây lại là nơi gieo tình yêu nhạc cụ dân tộc vào mỗi đứa trẻ, với hy vọng văn hóa truyền thống sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
Em Đinh Nhật Nam (ở khối phố 3, thị trấn Đăk Tô) tự hào nói: “Nhờ ông A Bang và anh A Huyền hướng dẫn, bản thân em đã biết một số kỹ năng cơ bản của đàn t’rưng, đàn đá. Thời gian đầu tiếp cận với nhạc cụ này quả thực rất khó khi sử dụng, thế nhưng nếu có đam mê, tình yêu, em nghĩ rằng mình có thể làm được, từ đó, góp phần gìn giữ nét văn hóa đẹp của đồng bào Xơ Đăng”.
Nay Săt