Ngày 12/8, nhân Ngày quốc tế Voi, WWF ra mắt Liên minh Bảo tồn Voi châu Á (AEA) với mục tiêu giảm thiểu tình trạng sinh cảnh của voi bị mất và thu hẹp, người và voi chung sống hài hòa, và quần thể voi hoang dã phát triển ổn định.
Việt Nam chỉ còn lại khoảng 100 cá thể voi hoang dã.
Liên minh ra đời trong bối cảnh các mối đe dọa đối với loài voi không thể đơn phương được giải quyết mà cần tới sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia, các đối tác trong khu vực. Trọng tâm của AEA sẽ là tăng cường các hoạt động nghiên cứu, giám sát, bảo vệ và quản lý.
Được biết đến như là "kỹ sư của hệ sinh thái và thợ làm vườn của rừng", voi châu Á hoang dã đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống và chất dinh dưỡng, tạo đường mòn trong rừng rậm và thay đổi sinh cảnh rừng mang lại lợi ích của các loài động vật khác. Ngay cả dấu chân voi cũng tạo thành các hệ sinh thái nhỏ nơi có nhiều sinh vật cư trú.
Nhưng loài động vật này đang bị đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, nơi chỉ còn khoảng 8.000-11.000 cá thể voi hoang dã phân bố ở tám quốc gia, bao gồm Campuchia, miền nam Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Trong số các quốc gia trên, Việt Nam còn lại ít voi hoang dã nhất, ước tính chỉ có hơn 100 cá thể trên toàn quốc. Quần thể lớn nhất được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Những cá thể còn sót lại này đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa, trong đó có việc xung đột với con người. Sinh cảnh sống bị mất, suy thoái và phân mảnh; nguồn thức ăn bị thu hẹp; trở ngại di chuyển trong vùng cảnh quan càng làm cho tình trạng của chúng tồi tệ hơn.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn động vật hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Hầu hết các quần thể voi hoang dã ở Việt Nam đều nhỏ lẻ và biệt lập. Nếu như không có những hành động khẩn cấp, tương lai tuyệt chủng của loài sẽ không xa. Tham gia AEA là một trong những giải pháp để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Chính phủ cũng như vận động cộng đồng quốc tế bảo vệ các quần thể voi hoang dã của Việt Nam”.
Tại Việt Nam, WWF sẽ huy động các nguồn lực để thực hiện ba nội dung chính của chiến lược. Một là, bảo đảm sinh cảnh sống cho voi, tập trung bảo vệ, quản lý, kết nối và khôi phục các sinh cảnh ưu tiên của loài. Hai là sống chung với voi: với mục tiêu quản lý các xung đột để người và voi cùng chung sống hài hòa. Ba là khôi phục quần thể voi, nhằm giúp các quần thể voi trong khu vực có thể sinh sống và phát triển ổn định thông qua nỗ lực tăng cường bảo tồn tại địa phương và cải thiện quản lý động vật hoang dã.
Hoa Lan