Tới Sa Pa nghỉ tại bản làng

Cập nhật: 16/09/2009
Những ngôi nhà làm bằng gỗ pơ mu quý hiếm với giá hàng chục tỉ đồng mọc lên giữa núi rừng, trở thành điểm đến và nơi nghỉ ngơi yêu thích của khách du lịch. Ở Sa Pa, bắt đầu hình thành nhiều nhà nghỉ cộng đồng ngay chính từ bản làng…

Trên căn gác trong căn nhà gỗ cổ kính tại gia đình ông Hoàng Mục (thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa), nhiều phòng ngủ được gia chủ thu xếp ngăn cách nhau một cách gọn gàng. Ông nói, tuần nào cũng có khách du lịch nước ngoài đăng ký ngủ qua đêm tại đây. “Xung quanh chỉ có núi rừng, trước mặt là thung lũng, chăn chiếu cũng đơn giản như bà con trong bản sử dụng, nhưng khách nước ngoài họ thích lắm”, ông Mục nói về sở thích mới của khách.

Ngủ bản

Tại thôn nhỏ Tả Van Giáy nằm lưng chừng thung lũng Mường Hoa, với 40 hộ dân thì tất cả đều lấy nhà mình “làm du lịch”, theo mô hình “homestay” (khách nghỉ lại qua đêm, ăn uống, thưởng thức các đặc sản văn hoá địa phương…). Ông Mục cho biết, những ngôi nhà ở đây là kiểu nhà truyền thống của dân tộc Giáy, trước đây gia đình sinh sống nhưng khi khách có nhu cầu thì gia đình đón họ vào ăn ở cùng. Đặc biệt, được làm nên từ loại gỗ pơ mu, nên giá trị của mỗi ngôi nhà lên đến hàng chục tỉ đồng. “Người dưới xuôi gọi loại gỗ này là thông dầu, nhưng dân bản chúng tôi biết đó là gỗ pơ mu. Cũng có khách vào đây nói giá trị căn nhà của tôi không dưới hai mươi tỉ”, ông Mục cho hay.

Bên kia con đường trước mặt tiền nhà ông Mục, một “homestay” khác của  Hoàng Văn Thành cũng là nơi nhộn nhịp đón khách. Mái hiên quay về thung lũng Mường Hoa, gia chủ đã bố trí những chiếc ghế mây để khách uống cà phê và ngắm cảnh đại ngàn khi bóng chiều sắp tắt nắng. Qua gia chủ, biết được hai vị khách đang chơi bida ở sân nhà Thành là người Pháp sang Việt Nam du lịch, nhưng từ khi vào Tả Van, họ từ bỏ ý định trở về khách sạn để ở lại nhà Thành, sinh hoạt và ăn uống cùng gia chủ.

Một lễ tân khách sạn mang thức ăn vào Tả Van cho biết, đa phần khách du lịch đều thông qua các công ty tour, hoặc khách sạn để được sống kiểu “homestay” ngay giữa núi rừng. Đến bữa, họ nấu nướng và ăn cơm cùng gia đình. “Mới bữa đầu, theo yêu cầu của khách nên khách sạn mang thức ăn từ Sa Pa xuống đây để họ chế biến cho buổi tối”, nhân viên này cho biết.

Thống kê của xã Tả Van cho thấy, mô hình “homestay” bình quân mỗi tháng đón trên 1.000 khách du lịch đến lưu trú qua đêm. Ngoài món ăn thôn bản mà du khách được thưởng thức, ban đêm chủ nhà cũng tổ chức đốt lửa, thực hiện các màn múa quạt, nhảy sạp, thổi kèn phục vụ. Khách có nhu cầu chỉ phải thanh toán 30 – 35.000đ cho một đêm ngủ lại nhà dân. Chỉ từng ấy chi phí, nhưng khách được khám phá phong tục văn hoá, hoà mình vào cuộc sống cộng đồng, được tắm lá thuốc, thưởng thức ẩm thực truyền thống của người bản địa.

Thu đôla từ “cây nhà lá vườn”

Theo phòng văn hoá huyện Sa Pa, mô hình “homestay” được quản lý trực tiếp bởi ban quản lý cộng đồng được bầu ra từ thôn bản. Khi hướng dẫn viên đưa khách du lịch đến, ban này có trách nhiệm điều phối, kiểu “hôm nay bố trí ở nhà này, mai bố trí ở nhà khác”. Chủ có nhà cho khách du lịch nghỉ, chỉ phải trích một phần chi phí gửi lại ban quản lý nhằm củng cố ngân sách cho ban này hoạt động. Đến nay, đã có nhiều thôn bản làm du lịch từ chính ngôi nhà của mình theo mô hình này. Như ở Bản Hồ có 30 hộ tham gia, Nậm Can có 10 hộ, Tả Phìn có 30 hộ…

Ông Nông Văn Mậu, chủ nhân ngôi nhà cổ ở Tả Van cho biết, không phải bây giờ khách Tây mới vào bản mà trước đó cũng đã có nhiều người nước ngoài đến đây rồi. Lúc đầu cũng gặp khó khăn vì sinh hoạt của người Giáy bị xáo trộn vì những vị khách Tây. Đến bây giờ, mọi việc đã ổn thoả vì những thành viên trong gia đình ông Mậu đã đồng thuận để khách lưu trú ngay trong ngôi nhà của mình. Hàng đêm, tiếng khèn của trai bản được cất lên, những điệu múa mượt mà của sơn nữ trong các ngôi nhà gỗ đã có thêm những vị khách đến từ các vùng đất xa xôi thưởng thức. Từ những ngôi nhà truyền thống, bây giờ chỉ cần mua chăn chiếu, màn, và thêm tí phong cách phục vụ của chính người dân. Những người dân như ông Mậu hàng tháng đã có thu nhập bằng “đôla” từ chính sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Ông Mậu nói: “Vui lắm, ngoài việc cải thiện về mặt thu nhập, mình còn giúp khách nước ngoài khám phá nhiều hơn về bản sắc văn hoá. Đó là cách chia sẻ vốn sống của người bản xứ với người nước ngoài”.

Thống kê của UBND huyện Sa Pa cho thấy, hiện nay trên địa bàn có 141 cơ sở lưu trú với 2.128 phòng, 3.988 giường. Trong đó, số cơ sở lưu trú tại gia kiểu “homestay” là 83 cơ sở. Làm du lịch theo kiểu “cây nhà lá vườn”, nên những hộ dân ở Tả Van Giáy cam kết với nhau không bắt tay “làm giá”. Ông Mục nói rằng, nếu khách thấy vừa lòng mà họ bồi dưỡng thì được, nhưng không có chuyện chèn ép giá cả.

Nguồn: SGTT