Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, trong đó, tháng 6, tháng 7 là cao điểm, rùa biển từ các đại dương xa xôi tìm về Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) để sinh sản. Như mọi năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đã sẵn sàng phương án hỗ trợ loài động vật quý này được sinh nở "vuông tròn".
Du khách tham gia thả rùa con về biển.
Theo thống kê của Vườn quốc gia Côn Đảo, giai đoạn 1993-2022 có 11.643 rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng, trong đó 31.400 tổ rùa với 2.898.640 trứng được cứu hộ, di dời, ấp nở thành công và 2.238.597 cá thể rùa con được thả về biển. Tỷ lệ rùa nở và được thả về biển đạt hơn 80%. Tháng 12/2022, Vườn quốc gia Côn Đảo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn rùa biển.
Mùa di cư của rùa biển
Ngay từ đầu năm, Vườn quốc gia Côn Đảo đã triển khai tập huấn công tác quản lý, bảo tồn rùa biển cho lực lượng kiểm lâm và các viên chức liên quan; ra quân thay cát các hồ ấp trứng rùa; vệ sinh san lấp bãi cát, tạo thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng; kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan bảo tồn rùa biển. Ở hai đảo nhỏ là Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau còn khai thác tour sinh thái xem rùa đẻ, cứu hộ rùa, thả rùa con về biển phục vụ du lịch.
Lực lượng kiểm lâm tại đây còn được tập huấn thêm nghiệp vụ du lịch và các nội quy để cảnh báo, hướng dẫn du khách tuân thủ trong quá trình tham gia tour du lịch. Du khách đều có thể tham gia tour tìm hiểu quá trình ấp và bảo tồn trứng; đồng thời, được trải nghiệm tận tay đưa những chú rùa con mới nở trở về biển.
Theo Vườn quốc gia Côn Đảo, vùng biển Côn Đảo hiện có bốn loài rùa biển gồm: Rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa và rùa quản đồng. Trong đó, quần thể rùa xanh lên các bãi biển ở Côn Đảo đẻ trứng có số lượng lớn nhất. Ông Nguyễn Văn Vững, chuyên viên Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển.
Số lượng rùa biển về đẻ trứng tại Côn Đảo chiếm khoảng 90% số lượng rùa biển của Việt Nam. Hiện vườn có 18 bãi đẻ được nhiều rùa biển di cư tìm đến trong mùa sinh sản. Trong đó, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tài và Hòn Tre Lớn với chiều dài khoảng 3,5 km, diện tích mặt bãi 24 ha có rùa mẹ lên đẻ trứng nhiều nhất.
Hằng năm vào mùa sinh sản (từ tháng 4 đến tháng 9), rùa biển từ đại dương tìm về các bãi biển ở Côn Đảo để làm tổ. Quá trình giao phối của rùa biển thường diễn ra trên đường di cư và trước các bãi đẻ. Tại đây, chúng ghép đôi giao phối và làm tổ đẻ trứng. Tùy theo con nước, thời gian rùa mẹ lên bờ đẻ trứng dao động từ 10 giờ đến 12 giờ đêm.
Rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng hai chân sau đào một lỗ sâu chừng 50-60 cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng. Sau khi lấp xong tổ trứng, rùa biển lại tiếp tục dùng chân trước lấp chung quanh ổ với chiều dài 5-6 m để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình.
Mỗi rùa mẹ có thể đẻ từ 70-120 trứng/đêm và đẻ từ 3-5 lần trong một mùa sinh sản. Chờ rùa mẹ rời tổ đẻ, nhân viên kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo lấy trứng đem về tổ ấp. Các tổ trứng sau khi rùa đẻ đều được di chuyển, di dời vào hồ ấp nhằm bảo đảm tỷ lệ nở cao, tránh hao hụt do bất lợi từ thiên nhiên và con người. Khoảng 45-60 ngày sau khi đưa về tổ ấp, trứng sẽ nở thành rùa con.
"Trước đây, việc "đỡ đẻ" cho rùa chỉ đơn giản là đánh dấu tổ trên bãi cát, để trứng nở tự nhiên rồi theo dõi rùa con trở về biển. Tuy nhiên, tỷ lệ trứng nở tự nhiên rất thấp do chịu nhiều tác động như: Bị lấy trộm, tổ ngập nước, trứng bị động vật khác ăn... Nhiều năm gần đây, nhờ những chiếc tổ nhân tạo, việc bảo vệ trứng rùa được bảo đảm hơn, tỷ lệ trứng nở thành công cũng cao hơn" - ông Nguyễn Văn Vững nhấn mạnh.
Thả cá thể rùa về biển
Vườn quốc gia Côn Đảo đầu tư hệ thống camera quan sát các đảo, hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ động vật hoang dã, cảnh báo từ xa tàu thuyền ra vào các bãi cát làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của rùa biển. Vườn quốc gia Côn Đảo đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm rùa biển đẻ trứng từ đầu năm 2023.
Đơn vị đã triển khai tập huấn công tác quản lý, bảo tồn rùa biển cho lực lượng kiểm lâm và các viên chức liên quan nhiều khâu phải làm thủ công. Đó là, tuần tra theo dõi rùa mẹ lên bãi đẻ, bảo vệ an toàn cho tổ trứng trước khi di dời vào hồ ấp, dời trứng vào hồ ấp, theo dõi nhiệt độ hồ ấp; ra quân thay cát các hồ ấp trứng rùa; vệ sinh san lấp bãi cát, tạo thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng; kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan đến bảo tồn rùa biển...
Ngoài việc bảo vệ môi trường thiên nhiên Côn Đảo nguyên vẹn với đa dạng sinh học trong quá trình phát triển, Vườn quốc gia Côn Đảo còn có nhiệm vụ cứu hộ rùa biển. Ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo còn tiến hành phối hợp tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển năm 2023 có phương án hạn chế các phương tiện tàu thuyền ra vào các bãi cát làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của rùa biển trong mùa cao điểm rùa sinh sản. Đồng thời, nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt trái phép, xẻ thịt, lấy trứng rùa...
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, từ năm 1994 đến nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã triển khai chương trình bảo tồn rùa biển với ba nội dung chủ yếu: Nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; xây dựng trại giống. Các chương trình hành động cụ thể là đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.
Bài, ảnh: Vũ Tân và Xuân Sang