Du lịch Quảng Ninh đang từng bước khẳng định thương hiệu, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách, dồn nhiều nguồn lực, thu hút đầu tư để mang đến một bộ mặt tươi mới, đa dạng cho du lịch Quảng Ninh, để ngành Du lịch tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Khu nghỉ dưỡng Đầu Rồng (Cái Chiên, huyện Hải Hà) là một trong những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.
Theo thống kê của ngành Du lịch, giai đoạn 2001-2010, lượng khách đến Quảng Ninh tăng khoảng 11,8%/năm, trong đó khách quốc tế tăng gần 13,5%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng 24,5%. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú trong giai đoạn này chỉ đạt bình quân 1,6 ngày/khách nội địa; 1,7 ngày/khách quốc tế.
Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của ngành Du lịch. Nguyên nhân xuất phát từ sự hạn chế về khả năng thu hút vốn đầu tư, khiến cho cơ sở vật chất du lịch còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch đơn điệu, dịch vụ du lịch thiếu thốn; ít khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm. Các tuyến, điểm du lịch đa số được đầu tư ở mức nhỏ lẻ trên cơ sở khai thác các địa danh du lịch sẵn có...
Nhằm khắc phục điểm yếu, trong 10 năm trở lại đây, để thu hút nguồn lực du lịch nói riêng và các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung, tỉnh đã không ngừng được cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đột phá cải cách hành chính. Trong đó, tỉnh đã giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 6 năm liên tiếp (2017-2022); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp (2017-2020, 2022) và đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất 4 năm (2019-2022); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) dẫn đầu toàn quốc năm 2020.
Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng được quan tâm, chất lượng quy hoạch được nâng cao và là công cụ quan trọng để quản lý và thu hút các nguồn lực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; hoàn thiện quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo yêu cầu tích hợp, đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia. Hệ thống đô thị được nâng cấp, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 67,5%, đứng thứ 5 cả nước và Hạ Long dần trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Quảng Ninh cũng đã quyết tâm thực hiện chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Qua đó tìm tòi, thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện. Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân II, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Tình Yêu.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động đầu tháng 9/2022, là cơ hội cho sự phát triển du lịch của các địa phương khu vực miền Đông. Ảnh: Đỗ Phương
Đặc biệt, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2022 đã đem lại giá trị to lớn về kinh tế, du lịch, chính trị; là động lực phát triển mới cho Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Từ quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; sân golf Đông Triều; Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long... Qua đó, góp phần làm cho hệ sinh thái du lịch của tỉnh dần hoàn thiện, kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với các hạ tầng thiết chế văn hóa đặc sắc, nổi trội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ - thành phố Móng Cái, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, Bãi tắm Hòn Gai... đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.
Có thể thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong đầu tư phát triển hạ tầng ngành du lịch, với nhiều dự án nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao; việc mở mới các đường bay thẳng, giá rẻ được đưa vào sử dụng đã làm tăng thêm nội lực kết nối của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch, tạo tác động lan tỏa, định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam. Các khu du lịch đẳng cấp quốc tế nâng tầm thương hiệu du lịch Quảng Ninh có thể sánh vai và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch trong khu vực. Chính sự nỗ lực này đã tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến với tỉnh Quảng Ninh trong những năm vừa qua.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh dịch vụ, du lịch của tỉnh, ông David A.Hill, Tổng Quản lý Khách sạn Premier Best Western Sapphire Hạ Long, khẳng định: Những năm qua, Quảng Ninh đã thực sự trở thành điểm sáng du lịch không chỉ của Việt Nam, mà còn trên bản đồ quốc tế. Những thành công đó không chỉ đến từ những lợi thế tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, du lịch, mà đặc biệt từ những quyết tâm trách nhiệm, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh cũng như hệ thống chính trị, đã tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng minh bạch, chuyên nghiệp. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Quảng Ninh.
Được biết, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình hội nghị, tọa đàm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào du lịch; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, thúc đẩy đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường với sinh kế của người dân.
Hoàng Quỳnh