12 ngày đêm... giúp rùa Côn Đảo ấp trứng

Cập nhật: 22/08/2023
12 ngày tình nguyện làm công tác bảo tồn rùa biển, với chúng tôi là đầy ắp những câu chuyện truyền cảm hứng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên bền vững đến với mọi người.

Thả rùa con về biển.

VQG Côn Đảo là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam nên khi biết Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN Việt Nam) tuyển tình nguyện viên (TNV) bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu tôi đăng ký ngay. Và may mắn được gọi tham gia trong mùa hè 2023. Càng may mắn hơn, khi được phân công làm nhiệm vụ tại Hòn Bảy Cạnh - hòn đảo tập trung nhiều rùa đẻ nhất.

Thâu đêm đỡ đẻ cho rùa

Tháng 7, tháng cao điểm rùa đẻ và của du lịch Côn Đảo. Ngay khi đến Hòn Bảy Cạnh, chúng tôi phải tập trung ngay vào nhiệm vụ đỡ đẻ cho rùa. Nhóm chúng tôi có 12 người. Đêm đầu tiên, chúng tôi chia 3 nhóm theo chân 3 kiểm lâm để được hướng dẫn cách cứu hộ trứng rùa.

Tình nguyện viên di dời trứng rùa từ tổ đẻ về hồ ấp.

Tôi theo nhóm anh Kiên, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh. “Mắt rùa rất nhạy cảm với ánh sáng đèn. Càng tạo được môi trường tự nhiên càng dễ thu hút nhiều rùa về đẻ trứng phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển du lịch”, vừa giải thích anh Kiên vừa lưu ý chúng tôi tắt hết ánh sáng đèn pin, điện thoại đang mở.

Lúc đầu, chưa quen mắt nhưng chỉ vài phút sau bãi cát trắng và sao trời lấp lánh giúp chúng tôi dần nhìn rõ mọi vật hơn. Đang đi, chúng tôi nghe tiếng cát rào rào phía trước. Ngay lập tức, anh Kiên ra hiệu cả nhóm chậm lại. “Có một rùa mẹ đang đào tổ đẻ”, anh Kiên bảo. Tôi căng mắt cố nhìn. À, một bóng đen lồm cồm ngay trước mặt.

Với kinh nghiệm nhiều năm, anh Kiên nói khoảng 5 phút nữa rùa mẹ sẽ đẻ. Quả thật một lát sau, rùa mẹ ngưng đào cát, tư thế lặng yên. Chúng tôi tiến sát lại, dưới ánh đèn vàng từ cây đèn pin nhỏ xíu của anh Kiên, những quả trứng tròn trắng phau thi nhau rơi xuống cát. Lần đầu được thấy trực tiếp khoảnh khắc diệu kỳ này, ai cũng xúc động. Chúng tôi lặng im, tỉ mỉ quan sát từng cử động của rùa mẹ.

Từ năm 2014, IUCN khởi xướng chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển với sự hợp tác của VQG Côn Đảo. Trong 9 năm từ 2014 đến 2023, IUCN đã nhận được gần 11.000 đơn đăng ký. Chương trình đã xét duyệt cho gần 400 TNV tham gia. Các TNV tham gia chương trình đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm sinh viên, công chức, doanh nhân, lao động tự do, bác sĩ, luật gia, nghệ thuật, giáo viên, nhà báo…

Rùa mẹ đầu tiên chưa đẻ xong, dưới bãi 1 mẹ rùa khác tiến gần. Rồi tiếp tục 3, 4 con… nhẩm tính đến gần 12 giờ có tới cả chục rùa mẹ lên đẻ trứng. Dưới sự hướng dẫn của anh Kiên, chúng tôi học từng việc một, nào là dời trứng trong tổ về hồ ấp, ghi chép ngày đẻ, số lượng trứng, số thứ tự tổ để theo dõi.

Cả đêm việc luôn tay. Ngược xuôi trên bãi dõi mắt theo đường đi của những mẹ rùa mới lên, lần theo vết chân rùa để đánh dấu tổ trứng hay giúp rùa mẹ mắc kẹt trong đám rễ cây về biển an toàn sau khi vượt cạn, đào cát gom trứng đưa về hồ ấp, ghi chép ngày đẻ - số lượng trứng - số thứ tự tổ để theo dõi, hướng dẫn du khách xem rùa đẻ đúng cách… Cứ thế kéo dài đến tận tờ mờ sáng. Mắt ai cũng đỏ hoe vì thiếu ngủ, nhưng tuyệt nhiên không ai than mệt.

Trời sáng hẳn, chúng tôi còn cùng lực lượng kiểm lâm giúp khách du lịch thả rùa con về biển. Hàng trăm rùa con bé tí, bò những bước chân rón rén ngó chừng, rồi đánh vật với sóng biển ào vào đại dương. Trần Hà Trang, sinh viên ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, một TNV trong nhóm chúng tôi chia sẻ: “Quan sát thời khắc rùa con tiếp nước, khua chân đạp sóng ra biển. Dù bị sóng đánh bạt lại rùa con vẫn cố vẫy vùng vươn khơi. Hình ảnh đó rất đẹp, cho tôi thêm niềm tin cứ một chú rùa về biển thành công sẽ thêm hy vọng nhân lên lượng cá thể rùa trong tự nhiên”.

Năng lượng từ tình yêu thiên nhiên

Đợt tình nguyện của chúng tôi là đợt thứ 4 trên tổng số 6 đợt với gần 100 TVN trúng tuyển chương trình “TNV cứu hộ rùa biển” năm 2023 do IUCN Việt Nam phối hợp với VQG Côn Đảo tổ chức. Khi bài viết này đến với bạn đọc, chúng tôi đã kết thúc 12 ngày làm nhiệm vụ được hơn nửa tháng.

Rùa con bơi ra biển.

Số lượng gần 100 TNV/năm, nghe có vẻ nhiều, nhưng không dễ trúng tuyển. Để đáp ứng tiêu chí của một TNV bảo vệ rùa biển, người ứng tuyển phải dành nhiều thời gian, tâm sức tìm hiểu kiến thức và môi trường sống của rùa biển, yêu thích hoạt động cộng đồng với các chuyến tình nguyện cụ thể có kèm hình ảnh và quan trọng hơn là thái độ, mong muốn góp một phần nhỏ bé cho công tác bảo tồn rùa biển.

Không chỉ làm nhiệm vụ cứu hộ rùa, các TNV còn phụ giúp lực lượng kiểm lâm đón tiếp, phục vụ khách du lịch, dọn rác, làm sạch bãi biển, vẽ tranh, thiết kế bảng biểu tuyên truyền những thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn rùa biển, góp phần tôn tạo không gian đảo thêm sinh động.

Mỗi TNV tham gia chương trình phải tự túc chi phí đi lại, ăn ở trong chuyến đi, sinh hoạt trong môi trường có phần thiếu thốn, khắc nghiệt và cam kết miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro xảy ra. Nhưng khi được hỏi vì sao tham gia chương trình này, tất cả đều chung câu trả lời: “Chuyến tình nguyện giúp chúng tôi thêm nguồn năng lượng tích cực, đồng thời hiểu rõ hơn rằng mình phải góp một phần trách nhiệm nhỏ bé tuyên truyền cho càng nhiều người hơn nữa ý thức trân trọng tự nhiên, giữ môi trường sống trong lành”.

Các bạn TNV đều góp phần chia sẻ câu chuyện về chuyến đi của mình thông qua mạng xã hội, các trang diễn đàn... kèm theo tình hình nguy cấp và thông điệp bảo tồn rùa biển đến cộng đồng mạng. Nguyễn Hương Trà, đến từ Hà Nội đã thực hiện nhiều bài viết về hoạt động bảo tồn rùa biển, hiệu quả từ việc di dời ấp nở trứng rùa đúng cách, giúp tăng tỷ lệ nở của trứng, cảnh báo tác hại của rác thải nhựa đối với các loài sinh vật… Thành viên năng nổ nhất nhóm - Vũ Bảo Sơn (đến từ TP. Hồ Chí Minh), quá trình tham gia tình nguyện bảo tồn rùa biển, Sơn còn dành thời gian tìm hiểu và đăng ký tham gia giải chạy bộ online “Save turtles run - Chạy bộ vì bùa biển” Côn Đảo cự ly 200km. Hiện Sơn đã hoàn thành mục tiêu này và chờ ngày chung kết trực tiếp diễn ra tại huyện Côn Đảo.

Bài, ảnh: Nguyên Phát - Đăng Khoa

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu - baobariavungtau.com.vn - Đăng ngày 18/8/2023