Tiếng khèn Mông réo rắt gọi bạn, kết nối những tâm hồn con người xích lại gần nhau hơn, tiếng khèn Mông xóa mờ đỉnh núi mờ sương, làm thức dậy cả một miền văn hóa dân tộc tưởng đã bị khuất lấp theo thời gian... Ấy là tiếng khèn Mông diệu kỳ được cất lên bởi một lão nghệ nhân có tài thổi khèn hay, múa khèn giỏi, cũng là một người thợ chế tác khèn Mông tài hoa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - ông Thào Cáng Súa. Cây khèn Mông đã cùng ông lớn lên theo năm tháng, bồi đắp trong ông niềm đam mê, tâm huyết cả một đời gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa góp phần gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Mông. Ảnh: Thủy Lê
Nghệ nhân điêu luyện
Nghệ nhân Thào Cáng Súa sinh ra ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, nhà đông anh em, cuộc sống khó khăn do thiếu đất sản xuất nên năm 1977, ông theo gia đình di cư sang bản Phi Nhài, xã Phi Nhài, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên lập nghiệp.
Sau 30 năm nơi đất khách quê người, cuộc sống vẫn vất vả, cái ăn không đủ, đất canh tác thiếu, năm 2011, gia đình ông Súa quyết định trở về quê Sáng Nhù sinh sống. Được bố truyền dạy cách chế tác khèn, thổi khèn, nhất là múa khèn với những động tác nhào lộn điêu luyện từ năm lên 12 tuổi nên ông Súa rất am hiểu về khèn Mông. Niềm đam mê với khèn đã đưa ông trở thành nghệ nhân gắn liền với nghề chế tác khèn, nuôi sống cả gia đình ông từ những ngày gian khó nhất.
Tay nâng niu cây khèn, ông Súa thổi một bài cho tôi nghe với giai điệu mùa xuân cùng bước nhảy uyển chuyển. Mắt ông ngắm nghía cây khèn như người bạn tri âm. Ông Súa cho biết, hàng ngày đi nương cùng vợ con, ông vẫn tranh thủ thời gian chế tác những cây khèn xinh xắn bán cho khách. Ông làm khèn không phải theo lối truyền thống mà có những sáng tạo, bí quyết của riêng mình khiến cho tiếng khèn vang xa, âm thanh độc đáo. Chẳng thế mà những chiếc khèn ông Súa làm ra không cần đem ra chợ bán mà khách tự tìm đến nhà để đặt mua.
Ban đầu, ông Súa chỉ làm loại khèn bình thường, giá bán rẻ phục vụ khách du lịch mua làm kỷ niệm. Về sau, nhiều người đến tìm mua và đặt hàng nên ông chuyển sang chế tác những chiếc khèn có giá trị hơn. Mỗi năm, ông Súa bán được 40 - 50 chiếc khèn, giá trung bình từ 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc, thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng mỗi năm.
Ông Súa cho biết: "Khách mua khèn của nhà mình chủ yếu ở các tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, cũng có nhiều khách trong tỉnh và các xã lân cận trên địa bàn huyện như Hồ Bốn, Cao Phạ, Nậm Có, Chế Cu Nha...”.
Anh Mùa A Cang, ở xã Mồ Dề chia sẻ: "Ông Súa là người thổi khèn rất hay, lại biết làm ra những cây khèn tốt nên được nhiều người biết. Tôi hay đến nhà ông Súa để học thổi khèn. Tôi rất khâm phục tài thổi khèn của ông và thấy rằng, con trai người Mông phải biết múa khèn, thổi khèn để giữ gìn vốn quý của dân tộc”.
Giá trị khèn Mông trong đời sống, văn hóa, tâm linh
Nghệ nhân Thào Cáng Súa cho biết, khèn là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Mông. Người Mông gọi tiếng khèn là Krềnh. Khèn Mông là một loại nhạc cụ đa thanh, là thanh âm của núi rừng. Khèn Mông được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau: trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, ngoại giao đón khách, cưới xin..., tiếng khèn vang vọng, lúc thoáng đạt, lúc nỉ non, dìu dặt.
Khèn Mông được ví như linh hồn người Mông vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thủy Lê
Đặc biệt, tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, phương tiện chắp nối lời yêu thương của bao chàng trai, cô gái. Bất cứ chàng trai người Mông nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương, trên rẫy, thì cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, học thổi khèn không chỉ là một cách để giải trí, mà còn là phương tiện thể hiện tài nghệ của mình và là cầu nối để họ tìm được người bạn đời.
Biết tài thổi khèn của nghệ nhân Thào Cáng Súa nên mỗi dịp hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, huyện, các hoạt động văn hóa của địa phương, hay hội thi khèn trong vùng tổ chức, ông đều được mời tham gia. Sự thuần phác của dân tộc Mông, văn hóa Mông biểu đạt qua tiếng khèn được mọi người yêu mến, trân trọng khiến nghệ nhân Thào Cáng Súa càng thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình, ý thức hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nhạc cụ truyền thống độc đáo của dân tộc.
Ông Súa chia sẻ: "Giờ tôi cũng có tuổi rồi, không thể múa khèn thăng hoa như khi tuổi còn trẻ nữa nên tôi mong muốn thế hệ trẻ người Mông biết múa khèn, thổi khèn, làm khèn để tiếng khèn Mông không bị mai một”.
Cũng từ suy nghĩ ấy, nghệ nhân Thào Cáng Súa đã truyền dạy những kiến thức cơ bản và kỹ năng, kinh nghiệm thổi khèn, múa khèn của mình cho nhiều thanh niên trong bản, trong xã. Không những thế, người Mông ở các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Hồ Bốn, thậm chí là ở các huyện lân cận như: Sa Pa của tỉnh Lào Cai; Mường Tè, Tủa Chùa của tỉnh Lai Châu... tìm đến học, ông đều vui vẻ truyền dạy. Nghệ nhân Thào Cáng Súa xem đó là niềm tự hào của bản thân và gia đình. “Là một nghệ nhân, tôi sẽ tiếp tục truyền dạy các điệu khèn, cách chế tác khèn cho thế hệ trẻ để khèn Mông luôn được gìn giữ cho muôn đời sau. Cây khèn là nhạc cụ gắn liền với cuộc sống của người Mông nên tôi cũng mong muốn thế hệ trẻ quan tâm học, tập luyện và gìn giữ để nét văn hóa này không bị mai một” - nghệ nhân Thào Cáng Súa tâm tình.
Phó Chủ tịch UBND xã Mồ Dề Sùng A Tu nhấn mạnh: “Để phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn khèn Mông, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Mồ Dề sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa thúc đẩy phát triển du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn”.
Nghệ thuật khèn của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình trình diễn dân gian theo Quyết định số 1401 ngày 01/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thủy Lê