Quảng Bình: “Mời về Lệ Thủy, xem này bơi đua”

Cập nhật: 25/08/2023
Sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) không chỉ mang vẻ đẹp hiền hòa, bình dị của những dòng sông miền trung thân thương mà còn gắn với một lễ hội mang đậm nét văn hóa xứ Lệ, đó là lễ hội đua thuyền truyền thống. Vào tháng 8 mùa thu hằng năm, Kiến Giang rộn rã sóng thuyền, người người háo hức chào đón lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh 2/9.

Thuyền bơi đua tranh để giành giải trong lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.

Đối với người dân Lệ Thủy, nếu Tết Nguyên đán là tết đoàn viên, sum họp trong mỗi gia đình, dòng tộc thì Tết Ðộc lập 2/9 với lễ hội đua thuyền truyền thống chính là dịp gắn kết tính cộng đồng, làng xã, hội tụ người dân trong một không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng sông nước và giàu tinh thần thượng võ.

Có lẽ, hiếm nơi nào mừng ngày độc lập - Quốc khánh 2/9 lớn như ở Lệ Thủy. Không khí nô nức, rộn ràng, lòng người phấn chấn; đâu đâu cũng cờ hoa rợp trời, tưng bừng sắc màu lễ hội. Bởi thế, người dân Lệ Thủy có câu:

“Dù ai đi tây về đông
Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Ðể chuẩn bị cho lễ hội dịp 2/9, cứ vào đầu tháng 8 hằng năm, các làng, xã có thuyền đã hạ thủy để sửa chữa. Thuyền đua ở Lệ Thủy từ xưa đến nay đều được đóng bằng gỗ. Thuyền nam gọi là đò bơi, đò nữ gọi là đò đua. Những làng, xã đầu tư thuyền mới thì công tác chuẩn bị còn sớm hơn, khâu tuyển chọn vận động viên (trai bơi hoặc nữ đua) cũng được thực hiện chu đáo.

Cứ chiều về, dòng Kiến Giang rộn rã bởi các làng, xã đưa thuyền xuống sông tập luyện, người dân cũng chộn rộn, bỏ bớt công việc nhà nông để theo thuyền bơi, đua cổ vũ. Dưới sông thuyền bơi, đua tập luyện, trên bờ người dân ngóng theo, cổ vũ, chuyện trò rất xôm tụ, vui vẻ.

Trai bơi được tuyển chọn là những người khỏe mạnh, bảo đảm độ dẻo dai ở trong thôn, làng. Trên thuyền, họ được bố trí ngồi thành từng cặp để dùng mái dầm ngắn, bản rộng, vục sâu vào trong nước liên tục, nhanh, đều theo hiệu lệnh là tiếng mõ để đưa thuyền vượt lên. Phía cuối thuyền có ba người chèo để vừa tăng vận tốc vừa giữ cho chiếc thuyền đi đúng hướng, đúng luồng.

Ðối với đò đua, các nữ đua đứng chèo bằng mái chèo dài, phía sau có một người chèo lái để giữ cho thuyền đi chuẩn hướng. Các nữ đua cũng chèo theo hiệu lệnh là tiếng gõ sanh của người ngồi đầu mũi thuyền.

Năm nào cũng vậy, sáng sớm ngày 2/9, khắp các ngả đường đổ về trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy đông đúc người và xe. Ðể đến được nơi này, có những người ở xa phải đi từ ba, bốn giờ sáng song ai cũng vui, nét mặt rạng ngời. Hai bên bờ sông, người già, trẻ em tập trung chờ xem, cổ vũ lễ hội. Dưới sông, ca-nô, thuyền bè lớn nhỏ đều rợp cờ hoa với các băng-rôn, biểu ngữ mang nội dung cổ động. Khoảng 7 giờ, sau khi khai hội thì cuộc đua bắt đầu.

Thuyền đua, thuyền bơi vào vị trí theo quy định, các ca-nô, thuyền nhỏ đều dạt sang hai bên bờ nhường mặt sông cho thuyền dự thi. Sau phát súng lệnh, người gõ mõ trên từng thuyền gõ liên tục, miệng hò “khoan dô khoan-hò khoan/lên hô lên-hô lên” liên tiếp, trai bơi theo tiếng mõ vục mạnh, sâu mái dầm trong nước đều răm rắp, hợp sức đẩy con thuyền lướt nhanh trên mặt nước. Hết mái xắp lấy đà để bứt phá vươn lên, thuyền bơi chuyển theo mái khoan đều, vừa phải để dưỡng sức trên chặng đua dài.

Một nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Bình chia sẻ, nhiều địa phương trong Quảng Bình tổ chức đua thuyền nhưng hấp dẫn nhất, rộn ràng nhất vẫn là Lệ Thủy. Bởi dòng sông Kiến Giang càng về cuối nguồn càng hẹp do vậy không gian lễ hội không lớn, từ đó thu hút sự cổ vũ của hàng vạn người dân. Không chỉ ở trung tâm huyện là nơi chính diễn ra lễ hội mà suốt dọc hơn 20 km đường đua trên dòng Kiến Giang, thuyền bơi, thuyền đua đều nhận được sự cổ vũ vô tư, rất nhiệt tình của người dân hai bên bờ sông.

Trên đường, từng đoàn xe máy, xe đạp chạy theo reo hò, cổ vũ thuyền đua làng mình; dưới sông tiếng hò reo, vẫy tay, vẫy nón mũ, tiếng chiêng trống khua vang. Các bà, các mẹ xắn quần, lội ra mép sông dùng nón lá, xô chậu... múc nước tạt theo thuyền để động viên trai bơi, gái đua. Trên các cây cầu bắc qua sông, người như nêm. Hai bên bờ sông tiếng hò reo như sấm dậy. Vận động viên như được tiếp thêm sức mạnh, rướn người, vục mái dầm, mái chèo sâu hơn, mạnh hơn kịp đưa thuyền về đích nhanh nhất.

Yếu tố làm nên sức sống của lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là sức dân và tính gắn kết cộng đồng. Người dân là chủ thể xuyên suốt của lễ hội từ việc cùng nhau đóng góp kinh phí, lực lượng tham gia với tư cách là vận động viên, cổ động viên làm nên không khí hết sức sôi nổi. Vào dịp lễ hội, làng xóm rộn ràng, nhà nhà đông vui. Không chỉ người dân trong làng mà con em xa quê cũng cố gắng sắp xếp công việc, dành thời gian về quê nhà dự lễ hội đua thuyền - Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy.

Người ở xa không về được thì gửi tiền, quà về động viên trai bơi, gái đua làng mình. Trong làng ai có gì góp nấy, người thì chút tiền, người góp ít nếp, có gia đình chục quả chanh, vài gói đường. Ban tổ chức lễ hội của các làng đều công khai tất cả khoản ủng hộ, các món quà đậm tình quê trên các bảng treo tại nhà văn hóa, nơi đặt thuyền đua, bơi để người dân trong làng, trong xã cùng biết và giám sát.

Ðến Lệ Thủy, du khách có thể thăm nhà lưu niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, dâng hương lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá vùng đất phương nam Tổ quốc, thăm ngôi chùa cổ Hoằng Phúc hơn 700 năm tuổi...

Cuối tháng 8 này, dòng Kiến Giang lại rộn ràng vào mùa lễ hội đua thuyền, ai ai cũng háo hức. Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí đã viết bơi đua quê mình bằng những câu thơ giản dị và ân tình:

“Trai này! Bơi bơi bơi!
Gái này! Ðua đua đua!
Mời về Lệ Thủy, xem này bơi đua
Tháng Tám mùa Thu người người háo hức
Làng làng rạo rực, đóng thuyền luyện quân
Kiến Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm”.

Bài và ảnh: Hoàng Phương

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 24/8/2023