Tại Techmart Vietnam ASEAN+3 lần này, công nghệ tạo “Vườn mini trên chín tầng mây” là điều bất ngờ, ý tưởng thú vị tạo ra “không gian xanh” cho ngôi nhà cao tầng và có thể chuyển giao công nghệ, nhân rộng mô hình ra cộng đồng.
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học ứng dụng đã có ý tưởng sáng tạo muốn phát triển một loại hình vườn quả mới nhằm tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống cho người dân trong các khu đô thị, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội - nơi có mật độ dân số nội thành cao nhất cả nước.
Cách đây ít lâu, nhiều người đã từng biết đến những công trình đầu tiên mang tính đột phá như trồng măng điềm trúc, trồng xoài tại xã Yên Mỹ, Thanh trì, Hà Nội - vùng rốn trũng nhất của Hà Nội, được người dân ven sông Hồng ứng dụng có hiệu quả qua mấy mùa lũ, đến nay sự xuất hiện của đề tài “Vườn cây ăn quả mini trên ban công nhà cao tầng” lại là bước đột phá mới.
Điều thú vị là tuy không phải người chuyên ngành trong lĩnh vực sinh học, nhưng với lòng đam mê nghiên cứu, kĩ sư Trần Xuân Tư, Viện Công nghệ sinh học ứng dụng, đã thành công trong việc tạo ra 2 công nghệ riêng biệt nhưng có tính liên hoàn bổ trợ cho nhau rất mật thiết.
Đó là công nghệ “đất sạch” và công nghệ trồng “Vườn mini trên chín tầng mây” mà trọng tâm là trồng giống xoài ngoại xum xuê quả vốn trồng được nhiều ở vùng bán sơn địa của Đài Loan nay được trồng trên sân thượng hoặc ban công nhà cao tầng Hà Nội.
Tính khoa học của công nghệ này là giúp tạo ra không gian xanh lý tưởng cho các căn hộ cao tầng mà không mất nhiều công sức, chi phí... Tác giả Trần Xuân Tư cho biết: Môi trường dễ gây ô nhiễm nhất cho cây chính là đất, thông thường thì ở công nghệ này lại không dùng đến mà ở đây là “đất sạch” do đề tài cung cấp.
Đặc biệt, với công nghệ trồng của Viện chuyển giao, sẽ khắc phục được hiện tượng xoài ít đậu quả do thường ra hoa trong thời điểm nhiều sương muối, mưa phùn của mùa rét.
Đảm bảo sau 2 năm, nếu thực hiện đúng qui trình, chăm sóc tốt, giống đảm bảo đúng loại, cây sẽ cho nhiều quả (đã thực hiện thành công ở nhiều hộ nhà cao tầng).
Đánh giá về mô hình này, Tiến sĩ Ngô Hồng Bình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Là một viện nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực rau, hoa và cây ăn quả, những năm gần đây Viện Nghiên cứu rau quả đã chọn tạo được nhiều giống cây ăn quả có giá trị và xây dựng được nhiều qui trình thâm canh cho các đối tượng trồng. Tuy nhiên, các chủng loại giống cũng như qui trình kỹ thuật được tạo ra chủ yếu áp dụng cho sản xuất đại trà trong điều kiện trồng trọt thông thường.
Vì vậy, Viện đánh giá cao ý tưởng sáng tạo độc đáo này và sẵn sàng ủng hộ, hợp tác với các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học ứng dụng trong việc xây dựng và phát triển nhanh các vườn quả mini trong vùng thành phố, để cho các gia đình sống ở khu đô thị không những có quả ngọt ăn mà còn có cả không gian sạch đẹp ngay tại nhà mình, tạo môi trường trong lành, cải thiện sức khỏe cho nhân dân.
Không phải không có lý do khi Trần Xuân Tư rất hứng thú đặt tên cho công trình của mình là “Vườn mini trên 9 tầng mây”.
Bạn hãy thử hình dung sau một ngày làm việc mệt mỏi, nếu nơi nào cũng có một khu vườn tự tạo như vậy để ngắm nghía, hít thở không khí tươi mát, được tự tay hái và thưởng thức những trái quả ngọt do mình trồng thì thú vị biết bao.
Đó chính là những giá trị vô giá mà người dân sống trong “nhà trên trời’ hoặc các căn hộ trong phố đông đúc, chật hẹp, kể cả các khách sạn, công viên... đều có thể áp dụng để tạo ra cảnh quan đẹp, sinh khí mới cho cuộc sống. Nếu được tư vấn của tác giả, người thực hiện có thể tự chế ra công nghệ đất sạch bằng những vật liệu rẻ tiền, để tạo ra những khu vườn cây quả mini, góp phần cải thiện môi trường xanh-sạch-đẹp.