Huyện Cù Lao Dung được định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đó là một trong những nội dung quan trọng trong phần Quy hoạch vùng kinh tế - xã hội của Quyết định số 995/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 25/8/2023. Theo đó, nơi đây sẽ hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng; phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Một góc Cù Lao Dung nhìn từ phà Long Phú sang Đại Ân 2. Ảnh: Tích Chu
Cù Lao Dung nằm ở cuối nguồn, chia đôi con sông Hậu trước khi đổ ra biển Đông bằng 2 cửa Định An và Trần Đề. Nơi đây, hằng năm, đều được bồi ra hướng biển hàng trăm mét, tạo nên những bãi bồi cùng hệ thống rừng ngập nước ven biển rộng lớn, nên người dân thường ví von đây là vùng “đất đang sanh”. Những bãi bồi cùng hệ thống rừng ngập mặn này vừa có chức năng phòng hộ, vừa tạo nên sự đa dạng sinh học, thích hợp cho bảo tồn và phát triển du lịch; năng lượng tái tạo... Đây cũng là nơi tập trung 3 trong số 9 cửa của dòng Mê Kông đổ ra biển Đông, gồm: Ba Thắc (nay đã bị bồi lấp), Trần Đề và Định An; là nơi mà vào năm 1786, trên đường bôn tẩu, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đã từng ẩn náu, rèn quân, lập xưởng đúc tiền, từ đó, hình thành nên địa danh rạch Long Ẩn và rạch Trường Tiền.
Cũng có người ví Cù Lao Dung như một Sóc Trăng thu nhỏ, bởi trên dãy đất này hội tụ đủ cả 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn, tạo nên một hệ sinh thái động, thực vật đa dạng và phong phú. Do được hình thành từ sự bồi đắp của phù sa nên đất đai nơi đây rất màu mỡ, mà nói như anh Sáu Phương (Lê Thành Phương), một nông dân cố cựu nơi đây thì: “Đất ở đây đặt cây gì xuống cũng tốt hết”. Mà đúng là tốt thiệt, khi lúc nào Cù Lao Dung cũng khoác lên mình một màu xanh của đủ loại cây trồng, như: bưởi, nhãn, xoài, mía… nhưng nhiều nhất vẫn là màu xanh của những rặng bần ven sông, ven biển. Cũng chính vì đất đai màu mỡ nên người dân nơi đây đã sớm “nói lời chia tay” với cây lúa để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị và lợi nhuận cao hơn. Anh Hai Văn (Phạm Hồng Văn - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung) chia sẻ: “Ở xứ cù lao mà trồng lúa người ta cười chết! Cũng nhờ sớm bỏ lúa chuyển sang trồng mía, rồi lập vườn, nuôi tôm, 3 tiểu vùng ngọt, lợ, mặn mới được phát huy hết thế mạnh, người dân mới vươn lên khá, giàu như bây giờ”.
Những cánh đồng mía bạt ngàn, thẳng tắp, xanh thẳm cùng câu chuyện về “đảo ngọt” sẽ giúp du khách hiểu thêm về đất và người xứ cù lao. Ảnh: Tích Chu
Trở lại với câu chuyện quy hoạch vùng kinh tế - xã hội huyện Cù Lao Dung theo quyết định của Chính phủ sẽ thấy rằng, trong tương lai, huyện Cù Lao Dung sẽ được phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, lấy du lịch làm trọng tâm, kết hợp với kinh tế vườn làm chìa khóa cho kinh tế - xã hội tăng trưởng và phát triển. Với đặc thù là một huyện đảo, những năm qua, Cù Lao Dung cũng chọn cho mình một mô hình xây dựng nông thôn mới mang nét đậm chất cù lao trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển. Câu chuyện nông nghiệp thuận thiên nơi đây tôi đã được nghe anh Sáu Phương đúc kết rất hay rằng: “Cây trái Cù Lao Dung ngon ngọt nổi tiếng là nhờ nước… mẳn mẳn, chớ ngăn mặn triệt để là thua. Do đó, vấn đề sống còn ở mảnh đất này là phải biết cách thích ứng để cây và người cùng tồn tại và phát triển trên từng vùng sinh thái khác nhau, chứ không phải là chống mặn hay ngăn mặn”.
Sự phát triển của Cù Lao Dung trong tương lai sẽ còn được hỗ trợ lớn từ công trình cầu Đại Ngãi (dự kiến khởi công cuối năm 2023), và dự án cảng biển nước sâu Trần Đề. Đây là 2 công trình rất được kỳ vọng góp phần tăng cường khả năng kết nối Cù Lao Dung với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Vĩnh Long cũng như khả năng thu hút khách du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương hàng hóa… của địa phương. Nhắc đến thế mạnh du lịch của huyện Cù Lao Dung, không thể không nhắc đến loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo tồn sinh quyển, bảo tồn khu dự trữ thiên nhiên rừng ngập mặn Cù Lao Dung và du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế vườn. Ngoài ra, Cù Lao Dung còn có các điểm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh… như: Đền thờ Bác Hồ, Bia chiến thắng Rạch Già, hay câu chuyện về sự hình thành và biến mất của cửa Ba Thắc, truyền thuyết về sân Tiên, rạch Long Ẩn, Trường Tiền gắn với giai đoạn bôn tẩu của vua Gia Long…
Để phát triển Cù Lao Dung theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, theo những cư dân cố cựu nơi đây, cần sớm nâng cấp, mở rộng và cứng hóa hệ thống đê sông, đê biển để tạo nên một trục giao thông bao quanh dãy đất cù lao, vừa chủ động phòng chống thiên tai, vừa tạo nên cung đường du lịch ven sông, ven biển, đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài tỉnh. Cung đường này cũng sẽ được kết nối với tuyến trục chính chạy dài từ đầu đến cuối cù lao thông qua hệ thống đường xương cá, giúp tăng khả năng khám phá của du khách cũng như giao thương hàng hóa.
Tích Chu