Sáng 12/9, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, gần 1.000 thanh niên và đại biểu tham gia đi bộ hưởng ứng "Giảm phát thải, bảo vệ tương lai", góp phần vào mục tiêu để Việt Nam trở thành nước có phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), đến năm 2050.
Đây là một phần trong chương trình hợp tác giữa Vườn quốc gia Cúc Phương, AFV, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) - Ảnh: Báo Nhân Dân
Chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành phố thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển của AFV và AAV; thanh niên và học sinh địa phương để cùng đi bộ và tham gia tìm hiểu các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), lịch sử hình thành và phát triển của Vườn quốc gia Cúc Phương, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng cho thế hệ mai sau.
Hoạt động đã góp phần vào mục tiêu chung là cứu trái đất vượt ngưỡng phục hồi 2023 và đồng thời cổ vũ tinh thần bảo vệ, nâng cao sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường cho thanh niên và mọi người, bằng hành động thiết thực góp phần gìn giữ ngôi nhà chung của nhân loại. Nhân dịp này, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam tặng Huyện đoàn Thị xã Nho Quan và 3 xã dự án ngân sách thực hiện Sáng kiến Các-bon Xanh, khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.
Hoạt động đi bộ hưởng ứng "Giảm phát thải – Bảo vệ tương lai" là một phần của chương trình "Xanh lên Việt Nam ơi" thu hút sự quan tâm và tham gia của chính quyền các cấp, toàn thể cộng đồng, đặc biệt là thanh niên trong việc nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, kêu gọi cùng nhau hành động vì một Việt Nam an toàn, xanh và phát triển bền vững.
Ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan – Trưởng Ban quản lý chương trình hỗ trợ phát triển huyện Nho Quan, phát biểu: "Chúng tôi ủng hộ thanh niên là lực lượng nòng cốt ở Nho Quan trong xây dựng và thực hiện các dự án nông nghiệp sinh thái. Với tính sáng tạo và năng động, các thủ lĩnh thanh niên đã chủ động tham gia vào các giải pháp hiện có hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chung tôi mong muốn có thêm nhiều giải pháp tài chính để ủng hộ thanh niên thực hiện các sáng kiến rất quan trọng của họ, vì tất cả chúng ta cũng chỉ có một trái đất này".
Hoạt động đi bộ hôm nay đã góp phần giảm phát thải từ 115 đến 412 kg khí CO2, hưởng ứng chương trình "Tài trợ cho Tương lai" do tổ chức ActionAid Quốc tế khởi xướng ngày 04/09/2023 tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Phi về Khí hậu, với mục tiêu thúc đẩy các giải pháp tài chính khí hậu và tăng trưởng xanh.
Ngày trái đất vượt ngưỡng phục hồi là ngày con người sử dụng hết nguồn tài nguyên thiên nhiên mà trái đất có thể sản xuất và tái tạo trong một năm. Sau ngày đó, mọi nguồn tài nguyên mà con người sử dụng đều vay mượn từ tương lai.
Năm 2023, ngày vượt ngưỡng phục hồi của Việt Nam được xác định là ngày 12/9. Trong bảy năm từ 2015-2022, mặc dù đã có hơn 190 nước tham gia Thỏa thuận Paris, lượng tài chính đổ vào các dự án sử dụng năng lượng tái tạo và nông nghiệp theo hướng công nghiệp – là hai nguồn phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới – vẫn cao gấp 20 lần ngân sách các dự án tài trợ cho giải pháp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Nói cách khác, chúng ta đang tài trợ nhiều hơn vào nguyên nhân đẩy mạnh khủng hoảng khí hậu ở mức độ toàn cầu.
Minh Thi